Tên gọi tự nhiên và hành chính của vùng địa lý
Cao Phong là một huyện miền núi nằm chính giữa tỉnh Hòa Bình, Phía Đông giáp huyện Kim Bôi, phía Bắc giáp thành phố Hòa Bình, phía Tây Bắc giáp huyện Đà Bắc, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Lạc, phía Đông Nam giáp huyện Lạc Sơn.
Huyện Cao Phong gồm có 12 xã và 1 thị trấn: Xã Bình Thanh, Thung Nai, Bắc Phong, Thu Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Tân Phong, Tây Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Yên Lập, Yên Thượng và thị trấn Cao Phong. Trong đó, thị trấn Cao Phong là trung tâm huyện lỵ của huyện.
Khu vực mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” có diện tích 3.552,73 ha, có tọa độ từ 20 độ 38’ - 20 độ 47’ vĩ độ Bắc và từ 105 độ 16’15’’ - 105 độ 23’30’’ kinh đô Đông, nằm trên địa phận của: thị trấn Cao Phong, các xã: Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam.
Xuất xứ của sản phẩm cuối cùng (tức cam quả đã được dán nhãn, đóng gói) được ghi nhận là huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam.
Vườn cao Cao Phong sai trĩu quả.
Bản đồ
Như đã trình bày rõ về phạm vi lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lí “Cao Phong”, thể hiện ở bản đồ Tài liệu bổ trợ số 2: Bản đồ khu vực địa lý tương ứng chỉ dẫn địa lý Cao Phong; Tài liệu bổ trợ số 3: Bản đồ Việt Nam; Tài liệu bổ trợ số 4: Bản đồ các tỉnh thuộc Việt Nam; Tài liệu bổ trợ số 5: Bản đồ tỉnh Hòa Bình; Tài liệu bổ trợ số 6: Bản đồ huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
2. Điều kiện địa hình, đất đai và thủy văn
Điều kiện địa hình
Khu vực địa lý có độ cao trung bình 399m so với mực nước biển, có ít núi cao, địa hình có cấu trúc thoai thoải, độ dốc trung bình của đồi núi khoảng 10 - 15 độ, chủ yếu là đồi dạng bát úp, thấp dần theo chiều từ Đông Nam đến Tây Bắc. Khu vực địa lý nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng cao và vùng thấp nên hạn chế được sự xói mòn và rửa trôi các chất dinh dưỡng của đất.
Huyện được chia thành 3 vùng:
Vùng núi cao: Gồm 2 xã Yên Thượng, Yên Lập.
Vùng giữa: Gồm 8 xã Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Thu Phong, Bắc Phong và thị trấn Cao Phong.
Vùng ven sông Đà: Gồm 2 xã Bình Thanh và Thung Nai.
Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, xã Bắc Phong, xã Dũng Phong, xã Tân Phong, xã Thu Phong) có độ cao trung bình 300m so với mực nước biển, dạng đồi núi thoải hình bát úp, nằm ở vùng giữa nên khả năng tiêu thoát nước tốt, cây không bị các bệnh về rễ và có khả năng sinh trưởng tốt.
Điều kiện đất đai và thủy văn
Cao Phong có sông Đà và hàng chục con suối lớn nhỏ chảy qua. Mặc dù nằm trong vùng hoạt động castơ mạnh, mùa khô nhiều suối có lưu lượng nước thấp hoặc bị cạn kiệt. Tuy nhiên, tiềm năng nước ngầm ở Cao Phong tương đối dồi dào, có thể khai thác ở độ sâu trên dưới 20m nước có chất lượng khá tốt để tưới cho cam. Mặt khác, đất của vùng cam có chất lượng đặc thù có tầng đất hữu hiệu dày trên 1m nên khả năng giữ nước của đất rất tốt.
Cao Phong có nhiều loại đất khác nhau. Vùng đồi núi có các loại đất nâu vàng, đỏ vàng, nâu đỏ và mùn đỏ vàng. Vùng địa hình thấp có các loại đất phù sa, dốc tụ. Đất của vùng cam có chất lượng đặc thù được hình thành trên chủ yếu trên 3 loại đá mẹ là đá sét và phiến thạch sét, đá macma và đá vôi, tầng đất dày trên 1m và giàu các chất dinh dưỡng đa lượng: N tổng số, P2O5 tổng số, K2O tổng số, P2O5 tổng số, Ca++, Mg++, pHKCL và mùn tổng số.
Cam Cao Phong chỉ duy trì được chất lượng đặc thù khi trồng trên các đồi thấp và tương đối bằng phẳng độ dốc < 100. Đất trồng là đất Feralit phát triển trên đá macma axit có màu vàng nâu, dày trên 1,2m hoặc đất Feralit phát triển trên đá vôi, có màu vàng nâu nhạt, thoát nước tốt, dày trên 1,3m.
Đất giàu dinh dưỡng về các chỉ tiêu Mùn tổng số 0,25± 0,12 (%); P2O5 tổng số 0,32 ± 0,06 (%); K2O tổng số 0,86 ± 0,1 (%); Ca++ 4,75 ± 1,4 (lđl/100 gđ); Mg++ 1,2 ± 0,3 (lđl/100 gđ) và pHKCL 5,62 ± 0,4. Thành phần cơ giới đất cân đối, không quá chặt, không quá xốp nên tiêu và giữ nước tốt, cụ thể: sét 15 %, limon 23,92 % và cát 30,52 %.
theobaokhoahocphattrien.vn