Thời gian gần đây, do sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả đã tới giới hạn nên việc tái sử dụng các tài nguyên gỗ như cành cây, vật liệu còn lại từ gỗ phế thải như mạt cưa, gỗ vụn... đang được nhắc tới nhiều, và đặc biệt có thể dùng các loại gỗ rừng trồng để sản xuất than sinh học.
Bằng nhiều cách, người ta có thể đùn nén các loại gỗ vụn hoặc sử dụng trực tiếp các loại gỗ rừng trồng làm nguyên liệu nhiệt phân than sinh học. Quá trình nhiệt phân yếm khí bằng các kiểu lò carbon không những thu được nhiên liệu than sinh học mà có thể lấy được sản phẩm đồng hành từ khói thải, ngưng tụ, chưng cất và tạo được chế phẩm dấm gỗ sinh học với nhiều thành phần axit hữu cơ bay hơi của nguyên liệu thực vật.
Dấm gỗ sinh học của Biffa |
Trong dấm gỗ gồm nhiều hợp chất hữu cơ, trong đó khoảng 80 – 90% là nước. Trong 10 – 20% còn lại gồm rất nhiều thành phần khác là các loại cồn, ester, axit, phenol, aldehyd. Thành phần có nhiều nhất theo đúng như tên của dấm gỗ là axit axetic với khoảng 2 – 5%. Phenol cũng là thành phần chủ yếu của dấm gỗ và chiếm vài ba phần trăm.
Theo TS Edward (2015), dấm gỗ còn gọi là axit pyroligneous (PA) hay ở Nhật Bản dấm gỗ được gọi tên là Mokusaku. Trên thế giới, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng dấm gỗ trong sản xuất nông nghiệp. Ông F.A. Petter (Brazil) đã nghiên cứu hiệu ứng việc sử dụng Pyroligneous Acid trong kiểm soát sâu bướm và hiệu suất nông học của đậu tương. Còn ông Seiichi Murayama (Nhật Bản) đã nghiên cứu sử dụng charcoal + pyroligneous acid theo tỷ lệ 4:1 bón cho cây mía, giúp tăng năng suất 16% so với đối chứng.
Bên cạnh đó, dấm gỗ còn chống lại sự phân hủy của các chất có hoạt tính sinh học và được sử dụng như là chất bảo quản. Dấm gỗ chứa Husbandries, là chất đuổi ruồi muỗi và bọ chét, đồng thời giết ký sinh trùng bên ngoài. Các tính năng chống nấm của dấm gỗ đã được thể hiện trong tác nhân gây bệnh khác nhau và còn rất nhiều kết quả nghiên cứu khác nữa, …
Nghiên cứu ứng dụng dấm gỗ đối với các nước trên thế giới là vậy, còn ở Việt Nam lại là ngành nghiên cứu khá non trẻ. Những năm gần đây, than có hàm lượng carbon cao gần 90% khi nướng thực phẩm, sưởi ấm không phát sinh mùi CO hay khói CO2, dùng hút mùi khử độc, lọc nước, và các ngành luyện kim,… đang được các nước ưa chuộng và là cơ hội cho các cơ sở sản xuất than trong nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngày nay nguyên liệu để sản xuất than sinh học phải đáp ứng yếu tố bền vững, và đó là lý do để lựa chọn cây nguyên liệu như bạch đàn rừng trồng, các loại cây thân rắn chắc như thân cây cà phê già cỗi, … Sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... ngày càng nhiều.
Cam nhà anh Nguyễn Minh Hiếu ở Bắc Giang phát triển rất tốt nhờ sử dụng dấm gỗ sinh học |
Đến nay, ngành sản xuất than gỗ đang phát triển mạnh tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, vốn là những địa phương có nhiều nguyên liệu gỗ rừng trồng,… góp phần giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm cho người trồng rừng, trồng cà phê khi thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, gia tăng giá trị sản phẩm do tham gia thị trường xuất khẩu.
Tại Bình Định, Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) là đơn vị tiên phong tham gia sản xuất sản phẩm này. Năm 2008, công ty đã sản xuất than gỗ sinh học chất lượng cao từ gỗ rừng trồng (cây bạch đàn) có sự hỗ trợ công nghệ và thu mua sản phẩm của Công ty SJTC Nhật Bản.
Trước áp lực giải quyết khói thải môi trường trong sản xuất than sinh học, trên cơ sở khoa học nghiên cứu về dấm gỗ ngoài nước, Công ty Biffa đã tham gia vào Hiệp hội dấm gỗ Nhật Bản GBT để được chia sẻ thông tin và nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất than sinh học tạo ra sản phẩm dấm gỗ sản xuất tại Việt Nam.
Hiện nay dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và dấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng” do đơn vị đề xuất đã được Bộ KH- CN phê duyệt thực hiện từ năm 2017. Hướng tới canh tác nông nghiệp bền vững, hy vọng dấm gỗ sẽ trở thành sản phẩm sinh học giúp hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV hóa học độc hại, góp phần bảo đảm chất lượng nông sản thực phẩm và giữ gìn môi trường nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp trong nước hầu như rất mới mẻ với dấm gỗ sinh học. Công ty Biffa đã triển khai nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm dấm gỗ có sử dụng kết quả các công trình nghiên cứu của nước ngoài. Sản phẩm đã được dùng thử tại một số đơn vị trong nước như Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ sinh vật cảnh TPHCM. ThS. Vũ Thị Quyền đã có nhận xét khả quan về hiệu lực của dấm gỗ trên cây hoàng thảo, cây đinh lăng, rau hữu cơ và mướp đắng. Tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới TPHCM, TS Nguyễn Đăng Nghĩa đã ứng dụng dấm gỗ trên cây thanh long và hồ tiêu cho thấy dấm gỗ có thể tiêu diệt và xua đuổi một số sâu bệnh hại. Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang khảo kiểm nghiệm sản phẩm dấm gỗ sinh học trên cây cà phê và hồ tiêu với đối tượng rệp vảy xanh, rệp vảy nâu, tuyến trùng và nấm. Ngoài ra một số địa phương như xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) ứng dụng dấm gỗ sinh học trên cây dưa; tại Bằng La, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) dùng trên cây táo; xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn (Hải Dương) sử dụng cho cây ổi,... Anh Nguyễn Minh Hiếu dùng dấm gỗ trên cây cam đường Canh tại thôn Giáp Hạ 2, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thấy rõ hiệu quả diệt trừ một số sâu ăn lá và xua đuổi được bướm, ngài, bọ phấn trắng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn