Năm 1987, ông Phạm Trọng Minh (trú tại thôn Quý, xã Đông Lĩnh, TP. Thanh Hóa) xuất ngũ trở về địa phương, với 4 năm trong quân đội, đã giúp ông rèn luyện ý chí tự lực, tự cường
Theo ông Minh, cây măng tây phơi khô, pha nước uống rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Vũ Thượng
Về quê hương, ông Minh trong tay chỉ có mấy sào ruộng để mưu sinh, vì thế gia đình luôn gặp khó khăn. Dù ông đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng "cái duyên" làm giàu vẫn chưa tới. Tình cờ, năm 2017, trong một lần về xã Đông Yên (huyện Đông Sơn) lần đầu bắt gặp mô hình trồng cây măng tây. Nhận thấy đây loài cây phù hợp với đồng ruộng của gia đình đang canh tác, lại cho kinh tế cao, ông quyết tâm học và làm theo.
Ông Phạm Trọng Minh cho biết: "Ban đầu gia đình chỉ trồng 2 sào cây măng tây, chí phí đầu tư gần 50 triệu đồng/sào nên phải đi vay mượn để về mua giống, làm cọc...Với suy nghĩ vừa học, vừa tìm hiểu, đã giúp tôi "thắng đậm" ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, thu khoảng 100 triệu đồng".
Chi phí đầu tư gần 50 triệu đồng/sào măng tây. Ảnh: Vũ Thượng
Đầu năm 2018, nhờ sự giúp đỡ của Hội nông dân xã Đông Lĩnh, ông Minh được cử đi tập huấn kỹ thuật trồng, ươm giống măng tây ở Hà Nội và tham quan một số mô hình trồng măng tây hiệu quả ở huyện Yên Định. Từ kiến thức được học, ông quyết định tự ươm giống, đồng thời, đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây lên 5 sào.
Ông Minh đã tự tay ươm giống cây măng tây để trồng. Ảnh: Vũ Thượng
Theo kinh nghiệm chia sẻ của ông Minh, cây măng tây có khả năng cho khai thác được 4-6 năm, cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15-30°C, do đó có thể trồng vào 2 thời vụ. Gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng tháng 2, tháng 3 và gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
Về kỹ thuật trồng măng tây, cách ươm cây giống măng tây, theo ông Minh, với 1 ha đất thì cần gieo ươm khoảng 500g hạt giống măng tây. Chú ý, ngâm hạt giống măng tây trong nước ấm khoảng 52°C (2 sôi, 3 lạnh) trong 12 giờ, vớt ra đem ủ trong vải sạch cho nứt nanh rồi đem gieo vào bầu ni lông kích thước 12 x 7cm có chứa đất sạch, phân hữu cơ và 1 ít tro bếp. Mỗi bầu gieo 1 hạt măng tây, hàng ngày tưới vừa đủ ẩm, chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển tốt cho đến khi đủ tiêu chuẩn.
Mỗi bầu đất chỉ gieo một hạt giống. Ảnh: Vũ Thượng
Khi cây măng tây trồng xuống đất 15 ngày cần vun, lên luống cho đứng cây và tiến hành các bước bón phân, làm cỏ, cắm cọc, giăng dây tránh đổ...Và cần phòng trị kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp...Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc thu hoạch sản phẩm măng tây khá đơn giản. Khi các chồi măng nhú lên cao khỏi mặt đất khoảng 25-30cm là tiến hành thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao. Thời gian thu hoạch măng tây chủ yếu vào buổi sáng, thường từ 5-9 giờ mỗi ngày trước khi mặt trời mọc để măng tránh tiếp xúc với ánh nắng.
Với diện tích 5 sào măng tây, gia đình ông Minh có ngày thu về hơn 1 triệu đồng. Do cách thức sản xuất đảm bảo an toàn nên sản phẩm măng tây của gia đình ông được khách hàng khắp trong Nam, ngoài Bắc tìm đến đặt mua. Theo tính toán mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 200- 250 triệu đồng. Vụ tới, ông Minh dự định thuê thêm 3 sào đất ruộng của nông dân trong thôn để mở rộng mô hình trồng măng tây.
Thân cây măng tây cắt nhỏ, phơi khô, pha nước uống tốt cho tiêu hóa, giải độc gan...Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hoàng Huy Trung-Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh cho biết: "Mô hình trồng cây măng tây trên đất ruộng của cựu chiến binh Phạm Trọng Minh là đầu tiên của xã, bước đầu cho năng suất tăng gấp 3 lần so với trồng lúa. Chúng tôi cũng tạo mọi điều kiển để gia đình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, cử đi học kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, tham quan các mô hình mới trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn