Hôm qua (13-9), bước vào ngày làm việc thứ 2, UBTV QH khoá XIII, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2002 – 2011. Nhiều uỷ viên UBTV QH cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ phương án giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
Làm ruộng ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng
Ảnh : Hoàng Long
Hơn 300.000 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay trong 63 tỉnh thành của cả nước có 56 tỉnh, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống thành cộng đồng làng, bản, phum, sóc. Trong giai đoạn 2002- 2008 cả nước có khoảng 421.405 hộ không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Các địa phương đã hỗ trợ được 210.377 hộ (đạt 49,9% so với tổng số hộ thiếu đất), còn lại 211.028 hộ (chiếm 50,1%) chưa được hỗ trợ.
Tiếp tục tới giai đoạn 2009-2011, do mở rộng phạm vi đối tượng mới là hộ DTTS nghèo còn thiếu đất ở, đất sản xuất. số hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất nhảy vọt lên con số 347.457 hộ. Trong đó, số hộ thiếu đất sản xuất là 142.444 hộ, số hộ thiếu đất ở là 39.526 hộ, 136.801 lao động/ 136.801 hộ có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề, số hộ có nhu cầu nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng là 15.533 hộ, 13.153 lao động/13.153 hộ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Giai đoạn này, các địa phương đã hỗ trợ được 20.907 hộ; bao gồm: hỗ trợ đất sản xuất cho 15.590 hộ/5.456ha, hỗ trợ đất ở cho 5.317 hộ/1.063ha.
Như vậy, từ năm 2002 đến năm 2011 số hộ cần thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 558.485 hộ (chưa tính số hộ cần hỗ trợ theo các chương trình tái định cư thuộc các dự án thuỷ điện và quốc phòng), trong đó các địa phương đã hỗ trợ được 231.576 hộ, đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn. Số hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn tới (2012 -2016) là 326.909 hộ, trong đó số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.
Chính sách về đất đai vùng DTTS còn bất cập
Theo Hội đồng Dân tộc của QH (HĐDTQH), nước ta là nước nông nghiệp, trên 70% dân số là nông dân; 90% lao động người DTTS sinh sống tại khu vực nông thôn, gắn với nghề nông, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Trong khi đó, hầu hết đồng bào DTTS cư trú ở khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tự nhiên các vùng này tuy lớn nhưng diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, nhiều núi đá, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra, diện tích canh tác bị thu hẹp, đất sản xuất ngày càng bạc màu, diện tích hoang hóa, đất rừng nghèo kiệt, đất không có nguồn nước, đất ngập mặn, nhiễm phèn nặng…
Mặt khác, nơi đông bào DTTS sinh sống đều là những địa phương nghèo, thu ngân sách ít, đa phần phải hưởng trợ cấp ngân sách từ Trung ương; sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Một số địa phương khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nam, do ảnh hưởng các cuộc chiến tranh biên giới, thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân phải di dời về tuyến sau, kết thúc chiến tranh, trở về nơi ở cũ, thì đất đai đã bị xáo trộn (do quy hoạch, do các cá nhân, tổ chức khác đã sử dụng…). Việc bố trí lại đất ở, đất sản xuất cho các hộ này gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như: Do yêu cầu phân bố lại dân cư, đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng các dự án hạ tầng, thủy lợi, thủy điện của các địa phương và cả nước đã gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn về đất ở, giảm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào DTTS, nhiều nhất là ở các địa phương miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhà nước thực hiện kế hoạch đưa dân các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ. Đó là lý do làm tăng đột biến về dân số tại các vùng, địa phương này. Đồng thời giai đoạn này tình hình đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến các vùng từ Thanh Hóa trở vào, mà đông nhất là vùng Tây Nguyên và Nam Bộ ngày càng tăng. Do tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, nhiều hộ DTTS tại các tỉnh miền núi vẫn sản xuất theo phương thức phát nương làm rẫy, du canh, du cư; ít quan tâm thâm canh, bảo vệ đất sản xuất; vì vậy diện tích đất sản xuất chất lượng tốt ngày càng giảm…
Một khu tái định cư ở Mường La (Sơn La)
Ảnh: Quốc Anh
HĐDTQH nhận định: Có nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) dẫn đến có tới hơn 300.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nhưng nguyên nhân chính nổi lên vẫn là công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo thực hiện các chính sách về đất đai ở vùng DTTS còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác tham mưu, hoạch định chính sách và giải quyết tình thế còn bị động.
Chưa có giải pháp cụ thể
Mở đầu cho phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ chỉ ra hiện trạng hơn 300.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nhưng lại không nói rõ sẽ lấy đất ở đâu để bố trí cho người dân. "Tôi đề nghị làm rõ lấy đất ở đâu để giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Cùng với đó cũng cần làm rõ sẽ giải quyết như thế nào và giải quyết đến bao giờ thì xong. Tôi thấy phần kiến nghị có vẻ hay nhưng chưa rõ giải pháp…” – Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Cũng trăn trở về vấn đề thiếu đất ở và đất sản xuất của các hộ đồng bào DTTS, nhưng Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai lại có cách nhìn khác: Trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ được vấn đề trong số 326.909 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất, có bao nhiêu hộ đã được bố trí đất rồi nhưng lại sang nhượng cho người khác để rồi quay trở lại thiếu đất? "Tôi cho rằng cần làm rõ điều đó chúng ta mới có thể đưa ra chính sách thích hợp cho vấn đề này…” – bà Mai đề nghị.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch QH về việc lấy đất ở đâu để bố trí cho dân, Chủ tịch HĐDT QH K’sor Phước cho rằng: "Nếu cứ nhìn đất mà giải quyết thì chịu. Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ mới giải quyết tận gốc của vấn đề. Nếu đất xấu không giao cho đồng bào DTTS thì sẽ để trống những vùng núi đá sát biên giới. Nhưng nếu giao cho bà con thì người dân lại không thể sản xuất được vì đất quá xấu…”.
Đồng quan điểm với ông K’sor Phước, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử cũng cho rằng, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS liên quan đến nhiều bộ, ngành và các địa phương, cũng như cơ chế chính sách từ vĩ mô đến các giải quyết ở cơ sở nên rất khó giải quyết triệt để. "Trước hết cần làm rõ trách nhiệm cấp đất ở cho người DTTS là của cơ quan nào, UB Dân tộc làm gì có quyền cấp đất; giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rõ ràng là có vấn đề cần điều chỉnh, nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều được…” – Chủ nhiệm UB Dân tộc bày tỏ quan điểm.
Như vậy, trong phiên thảo luận của UBTV QH chiều ngày 13-9, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về việc làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề các hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở và đất canh tác. Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa: "Đất có hạn nên cũng khó có thể giải quyết vấn đề. Đất có vẻ nhiều nhưng đều có chủ cả rồi…”.
Tinh Anh
Nguồn:daidoanket.vn