Nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (phải) đang hướng dẫn nông dân chăm sóc hoa lan tại vườn. Ảnh: SGGP
TPHCM hiện còn 5 huyện và 43 phường còn lao động nông thôn ở 7 quận ven ngoại thành với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong giai đoạn 2010 -2012, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã đào tạo được gần 45.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm trong 3 năm đạt hơn 83%. Bà Cao Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ định hướng dạy nghề tại địa phương: "Triển khai tổ chức các lớp đào tạo chủ yếu như chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng hoa lan và trồng rau an toàn trên địa bàn huyện. Bởi vì việc đào tạo nghề của Củ Chi tập trung vào những ngành nghề phù hợp với chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện".
TPHCM đã xây dựng thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng. Cụ thể như tại huyện điểm Nhà Bè, mô hình liên kết tuyển dụng và đào tạo nghề giữa Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè với Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh - xã Phú Xuân, nhằm cung ứng lao động có tay nghề cho công ty qua 4 lớp có 100 lao động tham gia, 80% lao động có việc làm tại công ty với mức thu nhập từ 2,5 - 3,2 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nêu cách thức cụ thể để thu hút học viên: "Học nghề có việc làm và trong quá trình học nghề thì có tiền, nghĩa là có tiền đi lại, có tiền học hành, học không tốn tiền. Vì vậy, nhân dân và số lao động trong nông thôn họ đi học nghề nhiều!".
Hay như mô hình trồng hoa Lan và chăn nuôi bò sữa tại xã Tân Thông Hội - huyện Củ Chi mở lớp tập huấn ngắn hạn, giúp học viên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Ngoài ra còn có mô hình sản xuất muối sạch, nuôi ốc hương ở Cần Giờ, các mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bình Chánh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và vươn lên một cách bền vững. Theo ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh thì cần phải giúp người dân cập nhật thông tin đầy đủ để biết đến các chương trình đào tạo: "Thời gian đầu, Đảng ủy - Ủy ban vận động khó do chưa có mô hình thực tế. Tuy nhiên, qua quá trình vận động thì một số người dân đã tham gia lớp Bảo vệ thực vật, lớp cá kiểng, lớp học tập huấn theo chương trình VietGAP".
Trong năm 2013, thành phố đã thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân TPHCM hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, giúp nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới của thành phố. UBND TP cũng phê duyệt Đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013-2018 với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2008-2013 chương trình này giúp hơn 100 nông dân được tham quan học tập ở nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP - đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình nhận xét: "Bây giờ cần tăng cường cho bà con trực tiếp tham quan, tận mắt chứng kiến để học hỏi chứ chỉ nói không thì không thuyết phục. Để bà con trực tiếp học hỏi cụ thể sẽ tốt hơn và qua các chuyến đi thì tôi đánh giá bà con thấy phấn khởi và họ học hỏi, học tập được nhiều".
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố hiện nay còn 9 vấn đề tồn tại, hạn chế như: đào tạo nghề chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. Việc triển khai công tác này còn lúng túng và chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế, thiếu định hướng dài hạn và quy hoạch phát triển kinh tế của từng quận, huyện. Cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đúng mức; Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức. Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP đánh giá: "3 năm qua, mặc dù cố gắng rất nhiều nhưng chúng ta chưa hài lòng với những gì chúng ta làm được. Và chắc chắn chúng ta phải nỗ lực hơn để mang lại lợi ích lớn nhất cho bà con mình, nhất là vùng còn lao động nông thôn".
Thông tin từ UBND TPHCM cho biết từ đây đến năm 2015, thành phố đặt mục tiêu đào tạo trên 118.000 lao động nông thôn và tỉ lệ có việc làm đạt 85%. Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Theo đó, các ban ngành đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là trong chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Ông Hứa Ngọc Thuận, nhấn mạnh: "Không chỉ là cơ sở nhà nước mà phải liên kết với các trường nghề tư nhân để chúng ta tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Để chương trình đào tạo, nội dung đào tạo gắn kết với yêu cầu thì chúng ta mới giải quyết được tổng số lượng chúng ta còn từ nay đến năm 2015".
Với mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp 100.000 lao động và trên 18.000 lao động ngành nghề nông nghiệp từ đây đến 2015 là một nhiệm vụ đầy thách thức. Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề lao động nông thôn thành phố đòi hỏi có sự quan tâm sâu sát của các cấp chính chính quyền, ban ngành, cơ sở và đặc biệt là ý thức, nỗ lực học tập, quyết tâm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân. Mặt khác, việc đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Minh Phước
Nguồn voh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn