Chăn nuôi bò thương phẩm tại Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái). Ảnh: Mạnh Trường
Tháng 1/2017, dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) do Công ty TNHH Phú Lâm làm chủ đầu tư đã đi vào vận hành. Đây cũng là dự án chăn nuôi bằng công nghệ tiên tiến lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, số lượng bò mà Công ty nuôi đã đạt 7.000 con, tăng 14 lần so với ngày mới đi vào hoạt động. Đàn bò tăng trưởng và có chất lượng tốt, sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao.
Với những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh, Công ty dự kiến sẽ nâng đàn bò lên 20.000 con cho một lứa nuôi trong năm nay. Công ty đang xây dựng khu giết mổ bò tập trung, khu bảo quản, mở rộng vùng trồng nguyên liệu thức ăn… nhằm tạo ra một chuỗi sản xuất khép kín. Qua đó, không chỉ giúp Công ty chủ động về nguyên liệu, mà còn góp phần nâng cao đời sống, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.
Mới đây, Tập đoàn TH True Milk đã đề xuất, khảo sát, tiến hành các bước đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, khu chế biến dược liệu kết hợp với trồng cây ăn quả, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại huyện Đầm Hà.
Trong đó, Tập đoàn sẽ xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ trang trại, liên kết với người dân để trồng, cung cấp nguyên liệu với diện tích khoảng 400ha; đầu tư khu chế biến dược liệu kết hợp với phát triển nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, trồng cây ăn quả… Dự án sẽ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Chăn nuôi lợn nái công nghệ cao tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả).
Không chỉ hai doanh nghiệp kể trên, trước đó, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực với sự tham gia của một số doanh nghiệp triển khai các dự án chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển nông lâm nghiệp Bình Minh...
Xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tiêu biểu là chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 30/7/2019. Đối với từng dự án, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất 70% tổng mức đầu tư, không quá 3 tỷ đồng/dự án/năm.
Thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập; 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư...
Ngoài ra, tỉnh cũng có một số chính sách đặc thù: Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Hàng năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, dịch vụ tư vấn và áp dụng khoa học công nghệ... Các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường.
Thời gian qua, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất danh mục dự án nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên một số dự án chăn nuôi theo hướng tập trung làm cơ sở để tỉnh quyết định chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Theo đó, trong số 60 dự án nông nghiệp, nhiều dự án chăn nuôi đã được phê duyệt danh mục khuyến khích đầu tư như: Dự án chăn nuôi gia súc tại Bình Liêu; dự án chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung công nghệ cao tại Đầm Hà; dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên... Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Cao Quỳnh/Quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn