19:16 EST Thứ bảy, 28/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Để Hợp tác công - tư trong nông nghiệp đạt hiệu quả cần chuyển dần vai trò của nhà nước

Thứ ba - 25/06/2013 04:33
Để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra 5 nhóm giải pháp chính, trong đó việc thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện mô hình này, nhiều chuyên gia cho rằng còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

PPP – sân chơi hiệu quả

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu bằng việc đẩy mạnh phát triển đối tác công - tư và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. 

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thực hiện mô hình PPP không phải là do Nhà nước thiếu tiền đầu tư nên phải kêu gọi tư nhân, mà mục đích của phương thức hợp tác này là tạo ra một sân chơi để các đối tác (nhà nước, DN, nông dân) cùng tham gia. Tại sân chơi này, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, họ sẽ cùng nhau làm gia tăng giá trị cho nông sản.

Tại Việt Nam, hiện có 6 nhóm ngành hàng đang có các hoạt động PPP với sự tham gia của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, phía đối tác là 14 tập đoàn xuyên quốc gia. Các lĩnh vực hoạt động của các nhóm này khá rộng, từ thử nghiệm về tiến bộ kỹ thuật đến thử nghiệm về tổ chức tín dụng, sản xuất, tiêu thụ… Trong đó, 2 ngành càphê và chè đang có những bước đi khá ngoạn mục.

Chẳng hạn như việc đầu tư vùng nguyên liệu chè tại tỉnh Yên Bái, nhờ có mô hình PPP mà việc sản xuất chè ở đây được mở rộng, bước đầu đã hình thành mạng lưới liên kết giữa người trồng chè và DN với các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua nhà nước, DN (điển hình là Công ty Unilever) đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác là nông dân. Dự kiến đến năm 2015, khoảng 30.000 tấn chè sạch sẽ được thu hoạch qua mô hình này, làm lợi cho gần 24.000 nông dân ở 6 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An. 

Tương tự, ngành càphê cũng khởi sắc với việc DN trong nước đầu tư xây dựng các thương hiệu càphê chế biến của Việt Nam, đồng thời các hãng càphê quốc tế nổi tiếng cũng tiến hành xây dựng các điểm thu mua, đầu tư về giống và kỹ thuật mới để vừa có càphê chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại ĐBSCL, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cũng đã bắt đầu gắn kết với nông dân Cần Thơ trong việc đầu tư 500.000euro để triển khai mô hình thí điểm phát triển các ao nuôi theo mô hình MetroGAP cho khoảng 2.000 hộ. Tháng 9/2011, Metro đã khánh thành Trung tâm thu mua, sơ chế, bảo quản đóng gói sản phẩm thủy sản tại Cần Thơ. 

Ông Sơn cho biết, thực tế triển khai một số mô hình thí điểm PPP với các tập đoàn xuyên quốc gia thời gian qua đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ. Nhiều DN đã hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn và kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch. Kể từ khi thực hiện mô hình, sản lượng nông sản của các dự án PPP tăng từ 2 - 3 lần, thu nhập của người dân nhờ thế cũng tăng 10 - 15%. Đáng chú ý là sau khi hợp tác, nhiều nông dân đã thay đổi cách thức, tập quán canh tác truyền thống theo mô hình khép kín, hiện đại hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mới đây, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã hợp tác với một cơ quan nghiên cứu lương thực và cây trồng thuộc sở hữu của một công ty ở New Zealand để phát triển giống thanh long ruột vàng mới. Quyền sở hữu trí tuệ cho giống này khi được thương mại hóa sẽ được chia sẻ và lợi nhuận được phân phối công bằng cho mỗi đối tác.

Tại Hội thảo Vai trò của nhà nước trong thúc đẩy hợp tác PPP – kinh nghiệm quốc tế vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội, TS. Marlo Rankin, chuyên gia của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) nhấn mạnh: Trên thế giới, các nước đã chú trọng đẩy mạnh mô hình PPP trong nông nghiệp từ hàng chục năm nay. Ví dụ như Pakistan, nước này đã sử dụng mô hình PPP để hướng tới những khu vực hạn hán mà trước đây được cho là không thuận lợi cho sản xuất hạt giống thương mại. PPP cũng đóng một vai trò trong việc giúp Pakistan điều tiết thị trường hạt giống bằng việc đảm bảo hạt giống được sản xuất dưới sự hợp tác của đối tác đạt chuẩn quốc gia. 

“Tất cả các PPP đều có mục tiêu tăng thu nhập của nông dân/giảm nghèo ở nông thôn và cải thiện tiếp cận thị trường; đồng thời giảm đầu vào hóa chất và bảo tồn tài nguyên đất. Tại nhiều nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc, đầu tư của khu vực tư nhân đã lên đến 19% và 16% tổng chi tiêu nghiên cứu nông nghiệp của nước họ”, TS. Marlo Rankin cho biết. 

Nhà nước tham gia thế nào?

Việt Nam đang là quốc gia đi sau trong việc thực hiện PPP; hầu hết các mô hình đang triển khai đều có quy mô vừa và nhỏ. Và một trong những hạn chế mà Việt Nam đang gặp phải, đó là khung hành lang pháp lý để thực hiện mô hình chưa rõ ràng; vai trò của đối tác công (nhà nước, chính quyền địa phương) còn khá mờ nhạt, chủ yếu vẫn là phía tư nhân (nông dân, DN, thương lái) tự hợp tác với nhau, vì thế, đôi khi xảy ra rủi ro là điều khó tránh khỏi.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Chúng ta cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc tham gia mô hình, vị trí của người nông dân ở đâu, bởi trong những lĩnh vực công, lâu nay Nhà nước vẫn thường là nhà đầu tư chính, bởi tính rủi ro cao, không lợi nhuận. Nay nếu DN tư nhân tham gia đầu tư, tức là rủi ro từ khu vực công đang chuyển sang khu vực tư nhân. Do đó, rất cần có khung pháp lý để đảm bảo cho việc dịch chuyển những rủi ro đó mà tư nhân chấp nhận được để họ yên tâm hợp tác. Vì trên hết, DN bao giờ cũng hoạt động trên cơ sở lợi nhuận.

Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và thực hiện các dự án hợp tác PPP, ông Steven Jaffee, điều phối viên Ban Nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Nhiều quốc gia đã có Luật về hợp tác công – tư, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đối tác khi tham gia mô hình lấy làm căn cứ thực hiện. Còn ở Việt Nam, hiện mới chỉ có các biên bản chứ chưa có luật cụ thể nên trong giao dịch hợp tác công - tư còn nhiều khó khăn, các đối tác tư cũng tỏ ra dè chừng.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, những mô hình mà Bộ đang cùng với các tập đoàn đa quốc gia thực hiện thí điểm có sự khác biệt khá nhiều so với các hình thức PPP đã triển khai trên thế giới. Có nghĩa là các mô hình này đang thực hiện theo kiểu vừa làm vừa tổng kết, đánh giá, chưa có tiền lệ và chưa có khung pháp lý.

Ngoài ra, trong dự thảo “Đề xuất cơ chế chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong nông nghiệp” của Bộ cũng chỉ ra rằng, cho đến nay, sự tham gia của Chính phủ (cả Trung ương và địa phương) còn hạn chế, chủ yếu mới thông qua lực lượng khuyến nông và sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh; chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng một hợp đồng dự án. Nhìn chung, cơ chế hoạt động của các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, việc rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình này cần phải có thời gian và chính sách đặc thù, riêng biệt. 

“Trong khi chưa có luật, nhà nước Việt Nam nên xây dựng khung hành lang pháp lý, để các bên tham gia biết cần phải làm gì và có trách nhiệm gì khi hợp tác. Trong đó, cần đảm bảo chuyển dịch dần vai trò của Nhà nước từ người trực tiếp cung cấp dịch vụ công sang người xây dựng khung pháp lý, chính sách, hỗ trợ, điều phối và giám sát việc thực hiện; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và hiệu quả của vốn đầu tư công”, ông Steven Jaffee nhấn mạnh.
 

Theo dự thảo “Đề xuất cơ chế chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong nông nghiệp” của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong nông nghiệp còn mới, chính sách chưa có, vì vậy, giai đoạn từ nay đến 2015, đề nghị tập trung vào 3 nhóm dự án: xây dựng, quản lý và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; cung cấp dịch vụ công trong tổ chức chuỗi sản xuất nông nghiệp; cung cấp dịch vụ công khác (khuyến nông, khoa học, thú y, bảo vệ thực vật…).

 

Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 61


Hôm nayHôm nay : 43147

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1249613

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72932322