Trẻ em vui chơi tại khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều) - nơi có rất nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí mới được doanh nghiệp đầu tư. Chính vì vậy, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tại cuộc hội thảo Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm di sản, diễn ra ngày 19/4 vừa qua tại TP Hạ Long, đã khẳng định rằng, hiếm nơi nào có sản phẩm du lịch lớn như vậy. Bởi sự đa dạng tài nguyên của Quảng Ninh có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch có chiều sâu của lịch sử văn hóa, di sản, lại có cái phóng khoáng, hùng vĩ của tự nhiên biển Hạ Long, hay có cái năng động, sáng tạo, trẻ trung của thời hiện đại.
Đáng ngưỡng mộ như vậy nhưng thực tế cho thấy, việc khai thác các tài nguyên du lịch của Quảng Ninh vẫn chưa hết tầm. Cũng tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định và có nhiều ý tưởng đề xuất táo bạo: Hạ Long vẫn là nguồn lực rất lớn có thể khai thác được nhiều hơn, tốt hơn nữa. Việc di dân lên bờ làm giảm sức hút với du khách, việc phục hồi rất khó. Sao phải ngủ trên biển, có rất nhiều đảo nhỏ, các nhà bè, có thể mở rộng rất nhiều không gian để khai thác du lịch. Thể thao trên biển, trên núi có rất nhiều loại hình để phát triển du lịch. Nhưng quan trọng hơn là làm sao có con người hiện diện trong các hoạt động ấy, đừng biến nó thành một vùng hoang vu không có người, giống như người Pháp trước đây rất quan tâm đến xóm chài, nó tạo thành văn hóa xóm chài, không thay thế được. Vì vậy, cần khôi phục lại những cái cần thiết. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được, cả tích cực và tiêu cực sẽ giúp phát triển du lịch với Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long tốt hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu mở rộng không gian du lịch của Hạ Long.
Du khách nước ngoài trải nghiệm dịch vụ đi thuyền nan trên Vịnh Hạ Long. Ông cũng cho rằng, việc khai thác sản phẩm du lịch tâm linh như Yên Tử hay du lịch di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long làm tốt nhưng chúng ta cũng quên mất nhiều thứ, như Bạch Đằng chẳng hạn. Hay khu di sản nhà Trần là thánh tích, “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm, nhiều hòn đảo ở Vân Đồn, Cô Tô rất đẹp mà chưa khai thác được nhiều. Việc mở rộng, kéo dài không gian du lịch theo định hướng của Quảng Ninh trong thời gian tới cũng là điều kiện để khách lưu trú lâu dài.
Sản phẩm du lịch phong phú nhưng thực tế cho thấy, doanh thu du lịch Quảng Ninh mang lại thấp hơn Đà Nẵng, Nha Trang, vì sản phẩm mà địa phương khai thác đa số là dòng khách lưu trú ngắn hạn. Chia sẻ thêm về việc này, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, phân tích: Trong số hơn 5 triệu khách nước ngoài năm 2018 tới Quảng Ninh thì khách Trung Quốc chiếm hơn 2 triệu người, còn lại là khách các quốc tịch khác, chủ yếu là khách Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ. Hướng tới phân khúc khách chất lượng cao thì phải có định hướng thị trường thông qua đầu tư trên cơ sở phân khúc khách hàng về cơ sở vật chất thì khách mới đến. Thứ hai là làm xúc tiến thị trường, cách làm của chúng ta chưa khiến du khách biết nhiều tới các dịch vụ. Vấn đề nữa là dịch vụ phải nâng dần lên cao cấp...
Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử Mgallery by Sofitel được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư phục vụ du khách tại Yên Tử (TP Uông Bí). Một số ý kiến trao đổi tại hội thảo kể trên cũng nhấn mạnh rằng, du khách tới Việt Nam nói chung và tới Quảng Ninh nói riêng hiện chủ yếu là khách châu Á. Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực cho thấy, bên cạnh thị trường khách chủ yếu cũng phải đa dạng các dòng khách. Như khách châu Âu rất thích đến Hạ Long, xác định là một điểm phải đến, đáng mơ ước, tuy nhiên nhiều khách phàn nàn rằng môi trường còn rất tệ. Đây là khuyến cáo cho phát triển du lịch Hạ Long, bởi môi trường là điều rất quan trọng với dòng khách chi tiêu cao, có thời gian lưu trú lâu dài.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh chưa chủ động quảng bá, xúc tiến du lịch mà chủ yếu là các dòng khách tự đến. Vì vậy cần chú ý quảng bá, xúc tiến để thu hút dòng khách châu Âu, Nga vốn rất thích khí hậu Việt Nam, thích nghỉ dưỡng ở đây. Cùng với đó xây dựng những sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu của dòng khách này. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bày tỏ: Cần quảng bá di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long trên các phương tiện truyền thông của quốc tế chứ không riêng ở Việt Nam, để thu hút dòng khách chi tiêu cao đến với Quảng Ninh...
Du khách tham quan tại khu di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) dịp đầu năm 2019. Sở hữu các di sản thiên nhiên, văn hóa phong phú, chính vì vậy việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo định hướng mở rộng không gian du lịch của Quảng Ninh là điều cần thiết. Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận: Từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh có những bước đột phá rất lớn từ sự đầu tư của các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup, Sun Group..., đã tạo ra kết cấu đồng bộ về hạ tầng giao thông, sản phẩm, các dịch vụ. Từ đó, Quảng Ninh có những bứt phá lớn về khách du lịch, chi tiêu. Tuy nhiên, nếu nói là tiềm năng, lợi thế để phát triển các tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch thực sự, mang lại lợi ích cho người dân địa phương thì còn chưa nhiều, chủ yếu vẫn ở các địa phương có lợi thế truyền thống phát triển du lịch, như Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí...
Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, góp phần mang lại lợi ích cao hơn cho người dân Quảng Ninh, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương, gợi mở: Quảng Ninh cần tính đến sự đa dạng về sản phẩm, các nhà đầu tư chiến lược của địa phương, sự kết hợp của chính quyền và doanh nghiệp, sự kết nối của người dân cũng như tầm quan trọng của sự phát triển bền vững...
https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=84186