21:51 EST Thứ sáu, 22/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Để ngành chế biến, XK gỗ phát triển bền vững, các DN phải nói không với gỗ bất hợp pháp

Chủ nhật - 04/06/2017 22:55
Ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã và đang giữ vị trí quan trọng trên bản đồ các nước cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Thương hiệu gỗ Việt đã dần được hình thành và phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia ngày càng đòi hỏi khắt khe về nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp, các doanh nghiệp, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, cần có sự chuyển đổi để đáp ứng được yêu cầu thị trường.
 

Chế biến gỗ thanh xuất khẩu tại Nhà máy chế biến gỗ Tân Bình (Đầm Hà - Quảng Ninh).

Xuất, nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ, EU: Độ ổn định cao

Mặc dù  trước đó có một số ý kiến cho rằng ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhưng 2016 vẫn là năm thành công của ngành. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ đạt khoảng 6,8 tỉ USD, tăng gần 7% so với năm 2015. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt trên 1,7 tỉ USD.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch năm 2016 đạt 2,71 tỉ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt trên 665 triệu USD.

EU cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Mặc dù có một số biến động nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được từ EU trong năm 2016 là 720,5 triệu USD, gần tương đương với mức 732,1 triệu USD năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu 2017 đạt gần 221 triệu USD.

Nhật Bản nằm trong top 5 thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 961,4 triệu USD. Trong quý 1 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 244 triệu USD.

Các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản chủ yếu được làm từ gỗ có nguồn gốc nhập khẩu từ các khu vực rừng ôn đới, hoặc từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước (cao su, keo/tràm) trong nước.

Nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự lớn mạnh của ngành gỗ, cả trên phương diện xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-4,5 triệu mét khối gỗ quy tròn, tương đương với 1,8-2 tỉ USD về kim ngạch. Mỗi năm có khoảng 150-160 loài gỗ khác nhau được nhập vào Việt Nam, từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Loại bỏ các nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao không phải chỉ là yêu cầu cấp bách, giúp xây dựng và phát triển thương hiệu và hình ảnh của ngành gỗ Việt, duy trì ổn định thị trường xuất khẩu mà còn là đòi hỏi bắt buộc đối với toàn ngành gỗ.

Hoa Kỳ và EU không chỉ là thị trường quan trọng tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam mà còn là nguồn cung gỗ nguyên liệu rất lớn. Hàng năm, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam từ Hoa Kỳ và EU lên tới trên 1 triệu mét khối gỗ quy tròn, tương đương với 30-35% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Theo thống kê, mỗi năm các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bỏ ra hơn 500 triệu USD để nhập khẩu trên 1 triệu mét khối gỗ tròn, từ trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các quốc gia có nguồn cung gỗ tròn lớn cho Việt Nam gồm: Cameroon, Malaysia, Papua New Guinea, Hoa Kỳ, Campuchia. Riêng tại thị trường Lào, bắt đầu từ nửa cuối của năm 2016, lượng gỗ nguyên liệu, bao gồm cả gỗ tròn được nhập khẩu vào Việt Nam giảm nghiêm trọng. Đến 2017, hầu như gỗ nhập khẩu từ nguồn này không còn nữa.

Bên cạnh gỗ tròn, mỗi năm các doanh nghiệp bỏ ra khoảng 800 triệu - 1,2 tỉ USD để nhập trên dưới 2 triệu mét khối gỗ xẻ từ 80-90 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số 150 loài. Năm 2016, đứng đầu các nước cung gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam là Hoa Kỳ, với lượng cung lên tới 460.400m3; tiếp đến là Chile, Campuchia, New Zealand và Brazil.

Theo TS.Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), Hoa Kỳ, EU, Australia,… quy định rất nghiêm ngặt về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nên khi nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể yên tâm. Nguồn nguyên liệu gỗ sử dụng tại các thị trường này thường là các sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC và là các nguồn gỗ không có rủi ro. Hầu như rất hiếm các mặt hàng được xuất khẩu sang các thị trường này sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc từ các nguồn được coi là có độ rủi ro cao như gỗ nhập khẩu từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông hoặc từ châu Phi.

Những thị trường tiềm ẩn rủi ro

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng của Việt Nam, đồng thời là nguồn cung nguyên liệu lớn. Các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là sản phẩm thô như dăm gỗ và gỗ. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều loại gỗ quý có nguồn gốc từ rừng tự nhiên sang Trung Quốc. Năm 2016 có 22 loài gỗ thuộc nhóm 1 và 2 được xuất khẩu vào thị trường này, với tổng kim ngạch lên tới 208 triệu USD. Hầu hết gỗ xuất khẩu thuộc các nhóm này đều là gỗ xẻ, có nguồn gốc từ nhập khẩu, chủ yếu từ các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và châu Phi. Nói cách khác, Việt Nam chỉ làm chức năng trung chuyển.

“Gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các loại gỗ nguyên liệu khác nhau lại tùy thuộc vào từng chuỗi cung hoặc loại hình thị trường xuất khẩu. Nguồn gỗ có rủi ro cao khó có thể len chân được vào chuỗi cung để xuất khẩu sang các nước có mức độ đòi hỏi khắt khe về tính hợp pháp của sản phẩm. Ngược lại, nguồn gỗ có độ rủi ro đóng vai trò chủ đạo trong nguồn cung xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Phúc nói.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên 4 triệu mét khối gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập khẩu từ các nguồn “sạch” khoảng 2 triệu mét khối, phần còn lại (gần 2 triệu mét khối) là từ các nguồn khác, trong đó bao gồm cả nguồn có rủi ro cao về tính hợp pháp như từ các khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và một số quốc gia khu vực châu Phi. Ông Phúc ước tính, trừ phần gỗ nguyên liệu và các mặt hàng được làm từ nguồn gỗ này xuất khẩu đi Trung Quốc, lượng gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới, bao gồm cả một số nguồn gỗ có rủi ro cao, được sử dụng tại thị trường nội địa có thể lên tới hàng triệu mét khối.

Cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), một trong những rủi ro vô cùng lớn mà ngành gỗ hiện đang phải đối mặt là sự pha trộn các nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu được coi là có rủi ro cao với các nguồn gỗ nguyên liệu sạch, được nhập khẩu từ các quốc gia như Hoa Kỳ và EU. Mặc dù chuỗi cung sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nguồn này khác nhau nhưng việc sử dụng nguồn cung gỗ nguyên liệu có rủi ro có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt trên thị trường quốc tế.

Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Chương trình thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng. Áp dụng VPA trong tương lai đòi hỏi tất cả các mặt hàng gỗ được xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa phải là các sản phẩm hợp pháp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này có nghĩa rằng, các nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao, bao gồm một số nguồn từ nhập khẩu, sẽ khó có khả năng đáp ứng được các yêu cầu mới.

“Khi VPA được thực thi hiệu quả, có thể nguồn cung các mặt hàng được làm từ các loài gỗ quý được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không tồn tại. Sản xuất kinh doanh tại các làng nghề gỗ truyền thống có thể bị đảo lộn. Vấn đề cấp bách hiện nay là Chính phủ và ngành gỗ cần có những đánh giá chi tiết về các tác động do việc thực thi VPA có thể đem lại trong tương lai, đặc biệt là các tác động đối với các làng nghề gỗ truyền thống”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, Chính phủ cần có những ưu tiên, hỗ trợ các làng nghề nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang việc sử dụng các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” hơn.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam nói không với nguồn gỗ bất hợp pháp”, đại diện các hiệp hội gỗ Việt Nam (VIFORES, Hội Gỗ mỹ nghệ và chế biến TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định) đã ký tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của các cơ quan quản lý về phát triển, khai thác, sử dụng, mua bán gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép CITES và FLEGT trong tương lai; thúc đẩy việc sử dụng, chế biến, sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước và từ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp và bền vững. Không một hội viên nào của các hiệp hội tham gia vào các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ trái phép trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 327


Hôm nayHôm nay : 57609

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1004273

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71231588