Thời gian gần đây ngành chè nước ta liên tiếp vấp phải những bất cập lớn. Trong đó, thị trường, vùng nguyên liệu và đặc biệt là ATVSTP là những vấn đề nổi cộm nhất.
NNVN có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Tài (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam về những tồn tại, thách thức cũng như những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chè.
Thưa ông, thời gian gần đây có thông tin một số lô chè của Việt Nam bị khách hàng nước ngoài trả lại do tồn dư hoạt chất độc hại từ thuốc BVTV. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn chè bị trả lại là của các DN không có vùng nguyên liệu. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Đúng vậy, việc chè XK bị khách hàng trả lại tuy tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng và giá trị chè XK của VN trong thời gian qua, nhưng nó không chỉ gây tổn thất cho DN trực tiếp XK mà còn làm ảnh hưởng xấu đến các DN chè khác, thậm chí cả ngành nông nghiệp.
Trên thực tế thì DN chế biến chè nào cũng có vùng nguyên liệu. Chỉ có điều là vùng nguyên liệu của nhiều DN không được xác định cụ thể, họ mua trôi nổi trên thị trường hoặc cũng được cơ quan nhà nước xác định cho một vùng chè cụ thể khi đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nhưng thực tế chỉ là hình thức và họ không có cơ hội để kiểm soát được số lượng, chất lượng và VSATTP.
Việc kiểm soát ATTP nông sản nói chung và chè nói riêng phải từ đồng ruộng, nhưng thực tế đang diễn ra ở một số nơi là không có tổ chức nào chịu trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân (theo yêu cầu 4 đúng).
Vì thế, sản phẩm của các DN không có hệ thống quản lý chất lượng của vùng nguyên liệu không thể khẳng định là sản phẩm ATTP tuyệt đối. Việc để chè không bị khách hàng trả lại buộc các DN chế biến phải kiểm soát được toàn bộ hệ thống nông nghiệp SX chè tươi đưa vào chế biến.
Thực trạng có nhiều DN chè hiện nay vẫn không có vùng nguyên liệu dẫn tới tranh mua, tranh bán, song có vẻ không có giải pháp tháo gỡ. Theo ông thì nguyên nhân chính là gì?
Có hai nguyên nhân chính, một là trong chuỗi giá trị chè thì công đoạn chế biến đầu tư ít, dễ làm, trong thời gian qua vẫn bán được sản phẩm thô cho DN XK và kiếm được lợi nhuận khá cao (vì không phải đầu tư cho hệ thống nông nghiệp).
Thực tế dòng vốn đầu tư cho ngành chè từ năm 2005 đến nay chủ yếu tập trung vào khâu chế biến thô và tổng công suất chế biến cao hơn khả năng cung ứng nguyên liệu 2 - 3 lần.
Người nông dân có nhiều khách hàng để bán chè tươi và chất lượng nào cũng có người mua theo cơ chế thị trường mà không có tổ chức nào kiểm soát chất lượng. Thực tế đau lòng là DN nào đầu tư cho nông dân thì lại ít có cơ hội được nông dân bán sản phẩm vì có DN khác tranh mua, họ không được bảo hộ đầu tư.
Hai là, từ các cơ quan quản lý nhà nước thiếu quản lý đầu thư theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan nhà nước tại các địa phương chỉ cho phép đầu tư cơ sở chế biến chè theo đúng quy chuẩn (như các nước SX chè trên thế giới) thì sẽ không có tình trạng dư thừa công suất chế biến đến trên 2 lần và xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu như thời gian vừa qua.
Theo ông, giải pháp để giải quyết tận gốc rễ những tồn tại của ngành chè?
Ngành chè nước ta, vùng chè hoặc một DN chè muốn phát triển bền vững, hay sẽ phát triển bền vững cần phải hội tụ được 3 yếu tố (hay 3 điều kiện) cơ bản về kinh tế, xã hội và môi trường.
Năng suất chè của nước ta còn có thể tăng lên khoảng 30% trong tương lai gần nếu cây chè được đầu tư hợp lý
Trong đó kinh tế là điều kiện cần để DN, vùng chè và ngành chè tồn tại; vấn đề xã hội và môi trường là điều kiện đủ để phát triển bền vững. Nhưng để vùng chè, ngành chè phát triển bền vững thì yếu tố quyết định là các DN (hoặc hợp tác xã, hộ gia đình trồng và chế biến chè) phải phát triển bền vững.
Sản lượng chè Việt Nam so với chè thế giới đứng thứ 5, nhưng còn cách quá xa so với nước SX chè đứng thứ 4. Vì thế, nếu tăng sản lượng lên gấp đôi thì vẫn đứng thứ 5 và vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, không làm đảo lộn thị trường chè thế giới. Do đó, chè VN vẫn còn có cơ hội mở rộng thị phần trên thị trường chè thế giới.
Mặt khác, chè VN lâu nay XK chủ yếu để các nhà NK làm nguyên liệu đấu trộn với chè các nước khác, đóng gói và phân phối cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Thị phần chè VN tại các thị trường tiềm năng là các nước phát triển hầu như không đáng kể. Đây là cơ hội để chè VN xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nếu đủ các điều kiện về ATTP và có được chất lượng ổn định.
Năng suất chè của nước ta còn có thể tăng lên khoảng 30% trong tương lai gần nếu cây chè được đầu tư hợp lý theo quy trình hiện hành, từ đó sản lượng cũng tăng lên tương ứng mà không cần tăng diện tích đất trồng chè.
Chất lượng chè nước ta vẫn ở mức thấp, nhưng có cơ hội tăng cả về ngoại hình và nội chất bởi chế độ canh tác, thu hái và chế biến hợp lý (lâu nay chủ yếu tập trung về ngoại hình, hái chè non).
Vấn đề khó khăn nhất của chè VN hiện nay là ATTP; vấn đề này đang được Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhà nước chưa có giải pháp cơ bản và triệt để, nhưng cũng là tiền đề cho các DN có chỗ dựa để đề xuất các giải pháp hợp lý, hợp pháp.
Để phát triển chè bền vững cần quan tâm đến KH-CN. Các cơ sở chế biến chè phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Đặc biệt là DN phải tự tổ chức dịch vụ BVTV tập trung thay thế việc sử dụng BVTV của các hộ nhận khoán và hộ nông dân trồng chè mới hy vọng kiểm soát được việc BVTV, tồn dư của các hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, đảm bảo ATTP và nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Xin cảm ơn ông!
Theo: nongnghiep.vn