Hiệu quả vốn chính sách trên đất vải
Trong chuyến công tác cùng cán bộ của NHCSXH, chúng tôi có dịp ghé thăm những hộ dân được tiếp cận vốn của chương trình cho vay cận nghèo.
Dừng chân ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), đến thăm nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của chương trình cho vay hộ cận nghèo trong hành trình giúp người dân thoát nghèo bền vững. So với các địa phương khác trong tỉnh, Yên Thế gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, diện tích đồi núi lớn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hiện, Yên Thế có 13/21 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Yên Thế luôn cao nhất tỉnh, lên đến 4.000 hộ.
Ông Ngô Gia Quát, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Để đưa được đồng vốn đến tay người dân, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Xác định đây là một trong những giải pháp giúp bà con thoát nghèo bền vững nên cán bộ tín dụng của ngân hàng đã nỗ lực hết mình, nhanh chóng đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Yên Thế là một trong những địa phương được chúng tôi ưu tiên giải ngân vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo”.
Được sự đồng thuận, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, cùng sự nhanh nhạy, vào cuộc đồng bộ của hệ thống các điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác triển khai vốn đến tay hộ cận nghèo diễn ra khá thuận lợi.
Tính đến cuối năm 2013, NHCSXH Chi nhánh Bắc Giang đã giải ngân được khoảng 160 tỷ đồng vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo, hơn 6.000 hộ cận nghèo trên địa bàn đã được nhận tiền với mức vay trung bình 25 triệu đồng/hộ, cao hơn so với bình quân toàn quốc. Riêng huyện Yên Thế, đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi đạt hơn 257 tỷ đồng, với 12.600 hộ đang dư nợ, tăng gần 12 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đóng góp quan trọng vào kết quả xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 24% (năm 2010) xuống còn 14,49% (cuối năm 2013).
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn, bò của gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn (Yên Thế). Nghe bà Hương kể về thời gian khó khăn của gia đình, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của đồng vốn tín dụng ưu đãi. Bà Hương xúc động nói: “Gia đình may mắn được NHCSXH hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, con cái được ăn học đàng hoàng”.
Tương tự, gia đình bà Đặng Thị Oanh ở thôn Đồng Kênh (xã Đông Sơn) cũng thoát nghèo từ những đồng vốn hỗ trợ ban đầu của NHCSXH. Trước đây, cuộc sống của gia đình bà vô cùng khó khăn, tuy nhiên từ khi được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, dần thoát nghèo, trở nên khấm khá.
Ghi nhận ở Hưng Yên
Rời Bắc Giang, chúng tôi đến thăm các gia đình được vay vốn cận nghèo ở Hưng Yên. Ghé thăm gia đình anh Trần Quốc Đạt, khu phố An Đông, phường Hiến Nam (TP.Hưng Yên), chúng tôi được nghe câu chuyện về hành trình vượt khó thoát nghèo của anh. Vợ chồng anh cưới nhau 3 - 4 năm, dù cố gắng xoay xở đủ nghề song kinh tế vẫn túng thiếu. Là người biết lo toan, mỗi lần nghe đài, báo nói về những cách làm ăn mới cho hiệu quả, năng suất cao, anh không khỏi suy nghĩ. “Thế nhưng không có vốn thì không làm được gì”, anh Đạt chia sẻ.
Nhờ có đồng vốn của NHCSXH, kinh tế của gia đình anh Đạt ngày càng ổn định. |
Nhất Nam
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn