Mô hình xây dựng nhà chòi phóng tránh lũ (Ảnh: NNVN)
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị ban hành "chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung".
Theo đó, đề nghị hỗ trợ cho các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; Là hộ độc lập có thời gian tối thiểu 2 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Chính sách có hiệu lực thi hành.
Chính sách này áp dụng đối với các hộ gia đình đang cư trú tại vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) trực thuộc phường, thị trấn, xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Về mức hỗ trợ, Bộ Xây dựng để nghị: Ngân sách nhà nước hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/hộ. Đối với hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Tập trung phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết 2015 hoàn thành hỗ trợ cho 60.000 hộ nghèo xây dựng được nhà ở phòng, tránh lũ, lụt an toàn. Thời gian thực hiện trong 2 năm, từ năm 2014 – 2015, trong đó năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15.000 hộ nghèo, với số vốn Ngân sách nhà nước khoảng 156 tỷ đồng. Số còn lại (khoảng trên 25.000 hộ) sẽ triển khai thực hiện trong năm 2015”. |
Còn mức vay, đối với những hộ thuộc diện đối tượng của Chính sách, nếu có nhu cầu vay vốn thì được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi với mức tối đa là 15 triệu đồng/hộ; đối với những hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn thể có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm sàn phòng, tránh lũ, lụt.
Đối với những hộ dân đang được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn thể thì ngoài mức vay (nếu có) theo quy định của các chương trình, chính sách đó, nếu có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay theo quy định của các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở đó để xây dựng nhà ở kết hợp làm sàn phòng, tránh lũ, lụt.
Ngoài ra, đóng góp của hộ gia đình và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.
Về nguồn vốn thực hiện, Bộ Xây dựng đề nghị: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về Ngân sách trung ương dưới 50%, Ngân sách địa phương hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí, gồm: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Bộ Xây dựng cho biết: 40.533 hộ nghèo hiện đang sinh sống tại khu vực bị ngập từ 1,5 m trở lên trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Về vốn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi, đối với hộ nghèo: Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ 417 tỷ đồng; vốn Ngân sách địa phương hỗ trợ 4,2 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 608 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình với mức 10 triệu đồng/hộ, thì số vốn huy động khoảng 405 tỷ đồng. |
Theo VOV online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn