Hơn 200 đại biểu đại diện cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành liên quan, hơn 30 tỉnh, thành... đã cùng nhau chia sẻ, bàn bạc nhiều vấn đề như kinh nghiệm về chính sách và phương thức tổ chức và triển khai các chương trình phát triển nông thôn của các nước; các bài học, kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong thực hiện triển khai các chương trình phát triển nông thôn; đề xuất chính sách, phương pháp, cơ chế và cách tiếp cận phù hợp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp Diễn đàn cũng thiết lập đối thoại giữa các cơ quan cấp trung ương và địa phương của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về các ý tưởng và khả năng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị trình Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Bộ Nông nghiệp và PTNT về tổ chức và thực hiện chương trình nông thôn mới.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đăng Khoa cho biết, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 26. Tiếp đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ra đời với mục tiêu tạo ra những thay đổi mang tính đột phá vì sự phát triển bền vững của nông thôn. Đây là chương trình khung phát triển nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của nông dân, do chính cộng đồng người dân bàn bạc, dân chủ. Cách tiếp cận mới này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn nhiều vấn đề về chính sách và triển khai cần phải được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với nội dung và công cụ thực hiện. Cụ thể là nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân; quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp; giữ gìn bản sắc văn hóa; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn... Do đó, thời gian tới để chương trình đạt được mục tiêu đề ra rất cần sự phối hợp hoạt động của các cấp, ngành và tổ chức quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã chia sẻ tầm nhìn của chính phủ trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Yuriko Shoji, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam, khẳng định, từ năm 1986 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo thông qua các cam kết và các nỗ lực. Nhờ đó, đã chuyển từ quốc gia đói nghèo thành xuất khẩu gạo hàng đầu và chuyển thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thấy mức tăng trưởng kinh tế giữa các vùng miền không đều, hiện 73% dân số sống ở nông thôn và đang bị tụt hậu trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo...
Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay đối với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đó là cùng với việc trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình do đó làm thế nào để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chính sách và chiến lược, làm thế nào để hỗ trợ Việt Nam để tiếp tục cải thiện sinh kế cho người dân nhất là ở nông thôn và người nghèo... Phát triển nông thôn là vấn đề phức tạp và liên ngành do liên quan đến nhiều chính sách và hành động. Xây dựng nông thôn mới cần sự tham gia của các cấp ngành, các tổ chức và cả thể chế mới. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đóng vai trò đi đầu để quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, song đây là vấn đề liên quan tới nhiều lĩnh vực do đó cũng cần sự tham gia của các bộ, ngành khác. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại đã đạt được những gì và cần rút ra bài học gì cho tương lai. Mục tiêu của Diễn đàn hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra được những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn