Đây là nhận định vừa được đưa ra nhân Hội thảo công bố đánh giá tác động Chương trình 135 giai đoạn II qua 2 cuộc điều tra cơ bản đầu kỳ và cuối kỳ do Ủy ban Dân tộc và UNDP công bố ngày 21.12.
Một góc bản Phia Cò 2, xã Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng. |
Cải thiện cơ bản mức sống
Kết quả điều tra cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) giảm được 8% (từ 57,2% năm 2007 xuống 49,2%) trong năm qua. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm dân tộc Mông giảm 24,3%. Các nhóm dân tộc Nùng, Mông, Tày là những nhóm DTTS thành công nhất (nhóm dân tộc Mông giảm được từ 83,5% năm 2007 xuống 59,2% năm 2012).
Ông Võ Văn Bảy – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc cho rằng: “Một trong những thay đổi quan trọng nhất mà chương trình mang lại chính là nâng cao mức sống của các hộ gia đình thụ hưởng, đặc biệt là các hộ DTTS. Thu nhập của hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm”.
Ngoài ra, một loạt các tiêu chí về sinh hoạt như điều kiện nhà ở, tình hình sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn đã được cải thiện. Nước sạch vẫn là một vấn đề rất đáng quan tâm, chỉ có trên 13% các hộ DTTS có nước máy, trong khi số liệu tương ứng ở cấp quốc gia là 27% năm 2010. Tình hình tiếp cận nguồn điện của các xã Chương trình 135 –II đã được cải thiện. Tỷ lệ các hộ được sử dụng điện đã tăng từ 68,6% năm 2007 lên 83,% năm 2012. Chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình cũng đã được cải thiện. Khoảng 70,9% các hộ có ít nhất 1 điện thoại trong năm 2012. Gần 70% các hộ có tivi. Tỷ lệ các hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% lên 66,2%.
Nhiều mục tiêu chưa hoàn thành
Mục tiêu nâng công trình thuỷ lợi mới đạt 70% thay vì 80% như trong kế hoạch 5 năm. Ngoài ra, các mục tiêu khác như tỷ lệ bao phủ của điện, đường, trường, trạm, nước sạch… và tỷ lệ trẻ em tới trường tại các vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa đạt (chỉ đạt 70-80% so với kế hoạch).
Sau 5 năm, chương trình đã hỗ trợ cho 2,2 triệu hộ dân...
Kết quả 2 cuộc điều tra này cũng cho thấy, mục tiêu đưa 100% xã làm chủ đầu tư ở các công trình dự án không đạt được. Mặc dù vậy, nhờ có công tác tăng cường năng lực số lượng công trình dự án do xã làm chủ đầu tư đã tăng gấp đôi (đến năm 2010 chiếm 45,9%). Tỷ lệ số hộ được trả lương đã tăng gấp đôi, từ 4,4% lên đến 9,1%). Mặc dù vậy, mức lương trong cả giai đoạn 2007-2010 vẫn còn thấp hơn mức lương trung bình của cả nước khoảng 50%.
Nhận định về nhiều mục tiêu chưa được hoàn thành, ông Võ Văn Bảy cho rằng: “Công tác giảm nghèo mới chỉ chú trọng vào việc tăng thu nhập. Nhưng vì mức tăng này có xu hướng giảm theo thời gian, nên giảm nghèo ở các xã Chương trình 135 – II chưa bền vững. Tỷ lệ các hộ nghèo, tái nghèo còn khá lớn, chiếm hơn 14%”.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ông Hà Hữu Trinh cho rằng: “Nguyên nhân là bởi nguồn vốn còn hạn hẹp. Các chương trình chưa thực hiện đồng bộ, công thêm vào đó là các yếu tố về thiên tai cũng cản trở nhiều tới việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Minh Nguyệt
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn