Cách đây 2 tháng, người nuôi tôm các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh,… điêu đứng vì tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Và bây giờ nỗi buồn tôm chết lại kéo dài miên man trên những vuông tôm, khiến người nuôi thêm một lần quỵ ngã. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong tổng số 29.849ha tôm thả nuôi từ đầu năm đến nay, đã có 11.649ha bị thiệt hại, chiếm gần 40% diện tích xuống giống.
Tại Cà Mau, tính đến trung tuần tháng 7, đã có 11.500ha tôm nuôi bị bệnh; trong đó có trên 780ha nuôi công nghiệp bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Con số thiệt hại ở Bạc Liêu là 10.000ha, trong đó có 4.600ha bị thiệt hại trên 50%. Nguyên nhân tôm chết bước đầu được xác định là do mắc bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân, teo và hoại tử gan tụy.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), trên địa bàn huyện có khoảng 540 triệu con giống thả nuôi trên diện tích 2.823,28ha của 4.314 hộ bị thiệt hại. Kế đến là huyện Duyên Hải với gần 300 triệu con tôm giống bị chết. Ông Nguyễn Văn Kiêm, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, cho biết: “Toàn xã có 348 hộ dân thả nuôi tôm sú trên diện tích 260,4ha nhưng đã có hơn 70% số hộ bị thiệt hại do tôm chết”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 8.805 hộ bị thiệt hại do tôm chết, chiếm 38% số hộ nuôi; bị thiệt hại 8.995ha, chiếm 36% diện tích nuôi; số lượng tôm giống bị chết 931 triệu con. Ước tổng thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.
Đây chính xác là “đòn” quật ngã người nuôi tôm khi mà từ năm 2011 đến nay, họ không lúc nào được yên, khi thì tôm bị dịch bệnh hoành hành, khi thì giá nguyên liệu lên xuống thất thường và việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng thương mại... Về các vùng nuôi tôm bây giờ chỉ còn thấy khung cảnh đìu hiu, những cái quạt nước nằm im lìm, buồn bã, nông dân đã thực sự không dám “đánh bạc” với nghề. Tại xã Vĩnh Hậu A, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) với trên 3.000ha nuôi trồng thủy sản, con tôm đã khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh suy kiệt, cùng cực vì tài chính, nhiều hộ không còn khả năng tái sản xuất khi có đến 723/1.600ha tôm bị chết. Đến nay, dư nợ vay nuôi tôm của các hộ dân trên địa bàn xã lên đến 50 tỷ đồng và phần lớn thuộc diện nợ xấu, nợ khó đòi.
Nguyên nhân do đâu?
Đến thời điểm này, các ngành chức năng, nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến tôm chết hàng loạt. Theo ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt, chết nhanh như giống tôm kém chất lượng, do thời tiết diễn biến bất thường, môi trường nước không bảo đảm…
Điều đáng nói là dù đã nhận được quá nhiều bài học đau đớn và chua xót nhưng người nuôi tôm vẫn còn có tâm lý ham rẻ, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử như tại Trà Vinh, có đến hơn 1 tỷ con giống cung cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh không qua kiểm dịch (chiếm 62%). Hệ thống kiểm dịch vừa thiếu vừa yếu, sự lơ là, thiếu trách nhiệm của ngành chức năng các địa phương chính là “kẽ hở” để nguồn tôm giống kém chất lượng vô tư tiêu thụ trên thị trường.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường ao nuôi tôm cũng đã đến hồi báo động, là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chết. Điều đáng nói là, người nuôi tôm chính là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường khi không tuân theo quy định, xả thải bừa bãi ra môi trường. Tại Cà Mau, cuối năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND về việc sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm quy định thời gian sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải bố trí nơi chứa đất, bùn và các chất thải khác, bảo đảm nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài. Không được thải trực tiếp bùn, đất hoặc nước thải không bảo đảm độ trong ra sông, kinh rạch gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 70% số đầm tôm công nghiệp trên địa bàn xả thải thẳng ra môi trường.
Từ thực tế trên có thể thấy, để khắc phục căn cơ vấn nạn tôm chết ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát chất lượng con giống và chất lượng môi trường ao nuôi cần được làm chặt chẽ, gắt gao hơn. Và hơn hết người nuôi tôm phải thay đổi cách làm.
Các chuyên gia thủy sản vừa nghiên cứu, công bố nguyên nhân dẫn đến tôm sú chết hàng loạt tại Đồng bằng sông Cửu Long là do sử dụng thuốc diệt giáp xác có chứa chất Cypermethrin. Chất Cypermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác rất độc, đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia. |
Khánh Nguyên
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn