Hiệu quả rõ rệt
Những năm gần đây, làng gốm Kim Lan (huyện Gia Lâm) đã có sự thay đổi rõ rệt. Môi trường làng nghề trong lành hơn, không còn nồng nặc mùi than do các gia đình đốt lò để nung gốm; lượng xỉ than thải ra từ những lò nung cũng giảm hẳn. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề gốm Kim Lan Ðào Việt Bình cho biết, từ chỗ tất cả các hộ gia đình sử dụng phương pháp nung gốm bằng lò than truyền thống, nay làng đã có khoảng 200 hộ (chiếm hơn 60%) chuyển sang sử dụng lò ga, nhờ đó mà đã tiết kiệm được năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng đáng kể.
Xưởng gốm của gia đình anh Nguyễn Chí Phương chuyển sang sử dụng lò ga đã được hơn ba năm nay. Anh so sánh, nung gốm bằng lò than truyền thống rất vất vả, giá nhân công lại cao, phải canh chừng thời tiết. Mỗi tháng chỉ có thể đốt lò được bốn đến năm lần. Từ khi thay thế bằng lò ga, mỗi tháng xưởng của anh đốt được từ tám đến mười lượt, chất lượng sản phẩm đầu ra cũng ổn định hơn với tỷ lệ 95 đến 97% sản phẩm đạt loại 1. Vì vậy, xưởng gốm của anh có thể đáp ứng những đơn hàng lớn hơn với yêu cầu chất lượng khắt khe hơn. Không những vậy, cũng nhờ đổi mới công nghệ nung,
các hộ sản xuất gốm ở Kim Lan
đã tiết kiệm được khoảng 70% năng lượng và giảm hơn 80% khí các-bô-ních thải ra môi trường.
Xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ, nhưng trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp, cần nhiều nhân lực. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thương mại tổng hợp, dịch vụ làng nghề Vân Hà đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động bốn và tám đầu đục. Với máy móc mới, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động đục tất cả các chi tiết của sản phẩm, vừa giúp giảm nhân lực vừa tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh. Ðể nhanh chóng hoàn thiện những sản phẩm sau khi máy hoàn thành, hợp tác xã phải thuê thêm nhân công lao động, qua đó đã có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn trong thời gian ngắn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Hoàng Xuân Thủy cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ của thành phố, các hiệp hội làng nghề, các hộ sản xuất cũng đã chủ động quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất. Các làng Phú Yên (huyện Phú Xuyên), Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm)… sử dụng máy móc chuyên dụng trong nghề may; các làng dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội (quận Hà Ðông) sử dụng máy dệt với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động; làng nghề tăm Quảng Nguyên (huyện Ứng Hòa) sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu. Làng nghề sơn mài xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) áp dụng công nghệ ép viên nén năng lượng và tạo cốt… Việc đổi mới công nghệ, thiết bị đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Cần cơ chế hỗ trợ
Hiệu quả của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất tại các làng nghề khá rõ, nhưng không phải dễ thực hiện, bởi đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Thí dụ, để chuyển từ lò nung truyền thống sang lò ga, các hộ sản xuất gốm ở Kim Lan cần đầu tư từ 700 triệu đến hơn một tỷ đồng/lò. Ðây là chi phí mà không phải hộ sản xuất nào cũng đáp ứng được, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ. Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 70% làng nghề vẫn sử dụng công nghệ thiết bị thủ công truyền thống hoặc mới cải tiến một phần, công nghệ còn lạc hậu, trình độ cơ khí hóa thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, để các làng nghề có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi trong vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất làng nghề; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ sử dụng và quản lý công nghệ cho người lao động làng nghề; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến một triệu lao động nông thôn với thu nhập đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/người/năm…
Ðể thực hiện được những mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề nói chung, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề. Thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới cho làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo nhandan.com.vn