Hai doanh nghiệp đã đăng ký tăng giá là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec, với lý do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng mạnh. Mức tăng cao nhất mà doanh nghiệp đề xuất tăng giá là 1.200 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.
Tại Singapore - thị trường cung cấp nguồn xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam, giá các loại xăng dầu đã tăng khá mạnh. Cụ thể, ngày 22/8, giá xăng A92 tại thị trường này đóng cửa ở mức 125,35 USD/thùng; giá dầu hỏa đứng ở mức 131,97 USD/thùng, dầu DO 0,5S là 133,47 USD/thùng, dầu FO là 684 USD/tấn.
Trong ngày chốt tăng giá lần trước (13/8), giá xăng thế giới trung bình là 115 USD/thùng, dầu hỏa là 123 USD/thùng nhưng giá trung bình của 2 mặt hàng này trong 30 ngày gần đây đã tăng lên lần lượt là 121 USD và 127 USD/thùng. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp hơn giá cơ sở 1.100 đồng/lít xăng, dầu thấp hơn 700 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 10 ngày gần đây thì mức lỗ còn nặng nề hơn, trong đó xăng lỗ hơn 2.000 đồng/lít, dầu lỗ khoảng 1.500 đồng/lít.
Do doanh nghiệp đang được sử dụng 300 đồng/lít xăng A92 từ quỹ bình ổn giá nên thực tế doanh nghiệp lỗ khoảng 700 đồng/lít. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng trên thực tế lỗ lãi của doanh nghiệp thường theo chu kỳ kinh doanh 10 ngày, 20 ngày chứ không phải 30 ngày. Do đó, mức lỗ của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nếu không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá.
Còn theo khẳng định từ ông Thỏa, Bộ Tài chính sẽ phải kiểm tra tính đúng đắn mức giá mà doanh nghiệp đăng ký chứ không phải muốn tăng bao nhiêu cũng được.
Với mức đề xuất của các doanh nghiệp, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận thì chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 1/8), giá xăng tăng tới ba lần với mức khoảng 3.000 đồng/lít. Còn tính từ đầu năm tới nay, sau năm lần điều chỉnh giảm và năm lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít xăng.
Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải gánh quá nhiều thuế phí. Trong cơ cấu giá xăng, người dân đang phải trả khoảng 6.000 đồng - 8.000 đồng/lít cho các loại thuế phí, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức...
Tính theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày gần đây, số tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các loại thuế phí trên khoảng 7.750 đồng. Còn trong trường hợp tính theo giá nhập khẩu trung bình 20 ngày trở lại đây thì số thuế phí là 7.900 đồng/lít.
Do đó, các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu bởi giá xăng dầu đã tăng ba lần liên tiếp. Nếu tiếp tục tăng giá trong lần này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tính toán, nếu đưa thuế nhập khẩu về mức 0% như thời điểm hồi đầu năm (khi mức giá nhập khẩu xăng tại Singapore cũng tương đương hiện nay), giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ giảm được khoảng 1.950 đồng/lít. Do đó chỉ cần giảm mức thuế nhập khẩu xăng A92 từ 12% hiện nay xuống còn 5%, mức giá xăng nhập khẩu có thể giảm được khoảng 1.150 đồng/lít, hoàn toàn không phải tăng giá xăng.
Nói về khả năng điều chỉnh thuế, ông Thỏa cho biết, Bộ Tài chính sẽ xem xét đến giải pháp này. Tuy nhiên, mức thuế đang áp dụng thấp hơn so với barem quy định, chẳng hạn thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng theo quy định là 20% nhưng hiện nay chỉ áp ở mức 12%; Tương tự, dầu diezel 10% (quy định 15%), dầu hỏa 12% (20%) và dầu ma zut 12% (15%).
An Hạ
Theo Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn