Chúng tôi đến thăm mô hình trồng dâu tây của bà Lâm Thị Huỳnh Anh (56 tuổi) ở xã Cầu Khởi. Vừa tới khu vườn trước nhà đã thấy hàng trăm chậu dâu tây đơm bông kết trái. Khác với xứ sở Đà Lạt, bà Huỳnh Anh không trồng dâu tây trên luống mà trồng trong các chậu nhựa nhỏ xinh xắn, giống như bồn cây cảnh.
Bà Huỳnh Anh giới thiệu quy trình sinh trưởng của cây dâu tây |
Trong chậu, những cây dâu chỉ mới cao hơn 10cm, nhưng cành lá sum xuê, xanh mướt. Ngoài việc trồng dâu trong vườn nhà, bà Huỳnh Anh còn thuê mặt bằng khá rộng dọc bên đường ĐT 784, gần khu vực Cầu Khởi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Tại khu vực đất thuê, bà Huỳnh Anh cũng đã có hơn 100 chậu dâu xanh tốt. Thời điểm này là dâu tây đã trưởng thành và bắt đầu cho ra những quả đầu mùa đỏ tươi. Nhìn những chùm quả chín đỏ, căng mọng thật hấp dẫn. Bà Anh cho biết dâu sắp được thu hoạch, nếu ai mua chậu này, sẽ được thưởng thức những trái đầu tiên.
Bà Huỳnh Anh là người đầu tiên trồng dâu tây ở Tây Ninh và cũng là người sáng tạo ra phương pháp trồng dâu thủy canh. Những cây dâu tây còn nhỏ, mới chỉ cao khoảng vài cm nhưng bộ rễ đã phát triển khá mạnh, hứa hẹn một lứa mới, bụ bẫm, khỏe mạnh. Bà Anh khoe: “Hôm qua, tôi mới bán hơn 200 chậu dâu vừa ra trái cho một người ở TP Tây Ninh”.
Nói về cơ duyên đến về nghề trông dầu, bà Anh cho biết mình từng lăn lộn mưu sinh trên đất Đà Lạt hơn chục năm bằng nghề thu mua rau củ quả xuống các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình kinh doanh, bà nhận thấy trên thị trường đang “hút” trái dâu tây. Đầu năm 2018, bà đến huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) mua hai cây dâu tây đem về trồng thí nghiệm trong vườn nhà.
Sau một thời gian quan sát, bà Anh nhận thấy loại dâu này vẫn có thể trồng ở Tây Ninh, nhưng năng suất không cao, do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Vốn là người năng động, ham học hỏi, đồng thời nhờ sự tư vấn của cô con gái đang ở Na Uy, bà Anh bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, mày mò tìm phương pháp “khắc chế” những khuyết điểm mà giống dâu mua từ Đà Lạt đem về còn mắc phải.
Cuối cùng bà đã tìm được cho mình hướng đi mới bằng phương pháp trồng trong chậu. Thành công của bà là những trái dâu đỏ mọng, tươi mát và những đơn hàng.
Người dân tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở vườn dâu của bà Huỳnh Anh |
Với các chậu dâu có đất, bà có một bí quyết riêng và đang theo dõi quy trình này chặt chẽ hơn nữa. Khi có được trải nghiệm cụ thể, bà sẽ chia sẻ rộng rãi cho những ai đam mê trồng dâu. Riêng với các chậu dâu được trồng bằng phương pháp thủy canh, bà Anh cho biết nước dung dịch đã được kiểm định, có độ an toàn phù hợp với cây dâu. Trái dâu thủy canh cũng thuộc loại thực phẩm an toàn cho người sử dụng.
Để tiếp tục thử nghiệm với cây dâu, bà Huỳnh Anh đã lên TP Hồ Chí Minh mua các giống của Pháp, Newzealand, Hàn Quốc cấy mô đem về trồng thí nghiệm. Sau khi thí nghiệm thành công, bà quyết định đầu tư cơ sở vật chất mở rộng quy mô và trồng đại trà với số lượng lớn.
“Hiện tôi đang trồng trên 800 cây dâu tây của ba loại Pháp, Newzealand, Hàn Quốc thử nghiệm trên cả cấy chậu và thủy canh”, bà Anh cho hay. Nếu các cây này thành công cao, bà Anh sẽ mở một trang trại trồng dâu trên đất Dương Minh Châu này.
Là người đầu tiên trồng dâu tây ở vùng đất “Tây Ninh nắng cháy da người” nên những tháng gần đây, vườn dâu tây của bà Huỳnh Anh trở thành điểm đến tham quan, mua sắm của nhiều người dân trong tỉnh.
Bà Anh chia sẻ, giá bán trung bình 25.000 đồng/chậu dâu nhỏ mới ươm, 40.000 đồng/chậu dâu trưởng thành và 80.000 đồng/chậu dâu cho quả lần đầu. Đối với dâu trồng theo phương pháp thủy canh, bà bán ra với giá cả chục triệu đồng/giàn. Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông và một số cơ quan đặt mua giàn dâu thủy canh, một số vựa hoa kiểng trong tỉnh Tây Ninh đặt mua loại dâu trồng chậu...
Trái dâu chín mọng được trồng thành công ở Tây Ninh |
Ngoài việc bán cây gống, bà Anh còn nhận thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá 220.000 đồng/kg trái đạt loại I và 100.000 đồng/kg trái loại hàng xấu. Bà Huỳnh Anh dự định, sau thành công của dâu tây, bà sẽ tiếp tục trồng cây cà chua dây Đà Lạt để cung cấp cho thị trường Tây Ninh và phụ cận.
Ông Nguyễn Minh Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cầu Khởi nhận xét: Bà Huỳnh Anh là người đầu tiên mở hướng cho loại dâu tây tại Cầu Khởi. Bước đầu cho thấy loại cây trồng này được nhiều người ưa thích, tìm hiểu và đặt hàng về trồng vừa ăn quả vừa làm cảnh. Tới đây Hội Nông dân sẽ hỗ trợ bà Huỳnh Anh vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô SX.
“Sau cấy mô tầm 4 tháng, dâu tây sẽ đơm bông, kết trái. Tùy vào từng loại cây, có khỉ chỉ 3 tháng là cho trái. Tôi đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này vì thấy rằng dâu tây cũng rất phù hợp với khí hậu Tây Ninh”, bà Huỳnh Anh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn