“Cầu nối” dẫn vốn hiệu quả
Trước đây, cuộc sống gia đình anh La Văn Chính (thôn Bản Ban, xã Phù Lưu, Hàm Yên) rất khó khăn do không có vốn phát triển kinh tế. Thông qua Hội ND xã, anh được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để trồng cam. Có vốn, anh tập trung chăm sóc hơn 2ha cam sành, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định và đã thoát nghèo.
Cũng qua “kênh” Hội ND, anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn Hợp Hòa, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương) được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, anh đầu tư mua 1 cặp trâu mẹ con và 1 con bò về nuôi. “Đến nay, trâu mẹ đã đẻ thêm 1 nghé cái. Con nghé này tôi sẽ giữ lại nuôi để nhân đàn. Với thủ tục vay đơn giản, thời gian vay 5 năm, lãi suất thấp, vốn ưu đãi là “cần câu cơm” hiệu quả cho những người nghèo như tôi” - anh Tuấn bộc bạch.
Được vay vốn Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo ở Tuyên Quang đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi bò sinh sản. ảnh: Thu Hà
Hiện Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Hợp Hòa do Hội ND xã Ninh Lai quản lý có dư nợ 880 triệu đồng với 38 hộ vay. Điểm đáng chú ý là nhiều năm liền tổ không có nợ quá hạn. Chia sẻ cách quản lý tín dụng ưu đãi hiệu quả, anh Khương Văn Bình – Tổ trưởng Tổ TKVV cho biết: “Tổ TKVV thôn Hợp Hòa thực hiện chặt chẽ việc bình xét, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, trước và sau giải ngân vốn vay, các tổ trưởng TKVV phải thường xuyên bám sát, gần gũi hộ vay để tư vấn, định hướng họ chọn cách làm ăn thích hợp và động viên họ tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi do các cấp Hội tổ chức” - anh Khương thổ lộ.
Đồng hành trên đường thoát nghèo
Hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang Cho vay 15 chương trình tín dụng Tổng dư nợ cho vay 2.322 tỷ đồng 22.410 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn 2017 |
Theo bà Lưu Thị Hải Yên - Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ ND, Hội ND tỉnh Tuyên Quang, đến nay tổng dư nợ vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH tỉnh mà Hội ND nhận ủy thác quản lý chiếm 24,4% tổng dư nợ của 4 tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hiện tổng dư nợ tín dụng CSXH mà Hội ND nhận ủy thác là 540,1 tỷ đồng với 621 tổ tiết kiệm và vay vốn.
“Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, các cấp Hội và Ngân hàng CSXH hướng dẫn cán bộ hội, cán bộ Tổ TKVV thực hiện đúng quy trình, các bước ủy thác cho vay. Đồng thời luôn tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn… Nhiều hội viên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống gia đình” - bà Yên cho hay.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Thị Dung, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với ngân hàng, các tổ chức chính trị xã hội, Tổ TKVV đã kết thành mô hình quản lý hiệu quả kênh tín dụng chính sách. “Hoạt động cho vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở các địa phương được thực hiện khá chặt chẽ, các cấp hội tuân thủ nghiêm ngặt những công đoạn, quy trình cho vay. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng được nâng lên” - bà Dung khẳng định./.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn