Dừa lấy nước giải khát hiện đang có giá và được thị trường ăn mạnh. |
Sau khi nhận ra những ưu thế về mặt hiệu quả kinh tế và phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay khi cây dừa vừa chịu hạn, chịu mặn, có thể trồng trên mọi chân đất, kể cả đất cát ven biển, ngành nông nghiệp Bình Định đang quyết tâm khai thác hết tiềm năng của cây dừa và đưa dừa lên hàng cây trồng chủ lực.
Với gần 10.500 ha dừa tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Ân, Bình Định được đánh giá là tỉnh có diện tích dừa lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ đứng sau 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
Diện tích dừa ở Bình Định chủ yếu được trồng trên đất vườn của hộ gia đình. Những năm trước đây, do dừa trái mất giá, người trồng dừa chán nản không đầu tư chăm sóc, nhiều diện tích dừa bị bỏ mặc cho bọ cánh cứng gây hại hoặc bị phá bỏ, khiến diện tích bị giảm mạnh.
Đơn cử huyện Hoài Nhơn, vùng trọng điểm dừa của Bình Định từ năm 2005 đến nay diện tích dừa bị giảm đến 605 ha. Theo bà Trương Thị Thúy Ức, Phó phòng Kinh tế huyện, dừa trên địa bàn giảm diện tích là do quy hoạch phát triển giao thông, khu dân cư mới và một số vườn dừa già cỗi nông dân phá đi để chuyển sang trồng cây ăn quả, cây màu, tiêu…
Trong những năm gần đây, giá dừa trái tăng cao, dừa khô từ 9.000đ – 10.000đ/quả, dừa xiêm để giải khát có lúc bán được 13.000đ – 14.000đ/quả tại vườn, nên người dân chăm chút vườn dừa của mình hơn, đẩy năng suất dừa tăng lên đáng kể, đồng thời có thêm nhiều diện tích được trồng mới. Ở huyện Hoài Nhơn, diện tích dừa được trồng rải đều trên khắp 16/17 xã, thị trấn, chủ yếu là dừa ta truyền thống, chỉ có ít diện tích dừa xiêm lấy nước. Từ khi giá dừa trái tăng cao, để khôi phục vùng dừa, chính quyền huyện này đã tổ chức chuyển giao các mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ SX, chế biến, tiêu thụ dừa. Nông dân đã bắt đầu quan tâm thâm canh và phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa. Nhờ đó, cây dừa phát triển ổn định và cho năng suất cao hơn.
“Hiện năng suất dừa ở Hoài Nhơn tăng được khoảng 20% so trước đây. Năm 2015, UBND tỉnh đã cho phép huyện Hoài Nhơn thành lập Hội dừa. Hội dừa Hoài Nhơn có 7 chi hội chức năng ngành nghề riêng biệt: Chi hội chế biến dầu dừa tinh khiết; chi hội trồng dừa; chi hội SX cước xơ dừa; chi hội thu mua dừa; chi hội SX phân bón vi sinh từ mụn dừa; chi hội SX hàng thủ công mỹ nghệ và chi hội SX thực phẩm các loại từ dừa. Hoạt động này đã mở ra triển vọng mới cho người trồng dừa, người SX, kinh doanh sản phẩm từ dừa ở Hoài Nhơn. Đây là nền tảng để ngành dừa Hoài Nhơn phát triển”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết.
“Huyện Hoài Nhơn đang có 2.975 ha dừa với số lượng khoảng 815.000 cây, trong đó có 2.934 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 10,6 tấn/ha/năm, sản lượng đạt trên 31.100 tấn, khoảng 19,2 triệu quả/năm”, bà Trương Thị Thúy Ức, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho hay.
Không chỉ người dân Hoài Nhơn quan tâm đầu tư thâm canh cây dừa, mà những vườn dừa ở các địa phương khác cũng được nông dân chăm chút hơn. Ông Phan Sĩ Hùng, người đang sở hữu 80 cây dừa xiêm lấy nước đang giai đoạn kinh doanh ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định), chia sẻ: “Để dừa cho trái ổn định, điều đầu tiên là đừng để nó thiếu nước. Ngoài ra, mỗi năm cho chúng “ăn” 50 – 70kg phân chuồng/cây, 2 – 3kg phân kali/cây, 2 – 3kg phân urê/cây. Được như vậy mỗi năm 1 cây dừa xiêm lấy nước có thể cho bình quân 150 quả, dừa già cho khoảng 80 quả/cây”.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy huyện Hoài Nhơn đang phát triển mạnh các ngành nghề SX, chế biến sản phẩm từ dừa. Riêng SX cước và cám xơ dừa có 10 doanh nghiệp đóng trên địa bàn các xã, thị trấn: Hoài Châu, Tam Quan Nam, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân. Trong đó có một số đơn vị hoạt động quy mô lớn, đổi mới dây chuyền SX như: Cty TNHH Hiền Vương, cơ sở Lê Xuân Bá, cơ sở Nguyễn Văn Bình, sản lượng bình quân đạt khoảng 1.000 tấn cước xơ dừa và 3.600 tấn cám xơ dừa/năm.
"Trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã có nhiều doanh nghiệp chế biến được những mặt hàng mỹ phẩm từ nguyên liệu cơm dừa”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.
Bóc vỏ dừa để đưa đi các tỉnh miền Bắc tiêu thụ. |
Cũng theo ông Hổ, đứng trước lợi thế trên, trong năm 2017 này Sở NN-PTNT Bình Định đã có kiến nghị với UBND tỉnh xây dựng đề án củng cố và cải tạo vườn dừa trên địa bàn 2 huyện có nhiều diện tích trồng dừa nhất tỉnh là Hoài Nhơn và Phù Mỹ. UBND tỉnh Bình Định đang giao Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện đánh giá lại mọi mặt về cây dừa. "Trước tiên chúng tôi sẽ đánh giá lại giống dừa ở những vùng dừa trọng điểm như thế nào, mức độ thoái hóa của các vườn dừa hiện nay ra sao, chất lượng thế nào. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng đề án củng cố, cải tạo vườn dừa cho phù hợp”, ông Hổ chia sẻ.
Vấn đề khác mà ngành nông nghiệp Bình Định đang quan tâm là những vườn dừa giống không cho năng suất cao và chất lượng không đảm bảo thì phải có giải pháp cải tạo ra sao? Đối với những vườn dừa lâu năm đã bị thoái hóa thì phải được thay đổi giống như thế nào và nên trồng những giống dừa gì?
"Nông dân đang rất cần 1 quy trình chăm sóc cây dừa như những loại cây trồng khác để nâng cao năng suất, bởi xưa nay nông dân trồng cây dừa lên rồi là phó mặc cho trời, không hề chăm sóc. Một nghịch lý khác, tuy Bình Định là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng thứ 3 toàn quốc nhưng cứ phải nhập dừa uống nước từ Bến Tre về để tiêu thụ. Vì vậy, cần phải xác định lại những mặt yếu kém để đưa cây dừa lên làm cây trồng chủ đạo”, ông Hổ nói.
Theo nhận định của TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, hiện nay cây dừa ở miền Trung có 2 mục đích sử dụng, là phục vụ uống nước giải khát và chế biến. Đối với mục đích giải khát, các nhà khoa học phải tìm ra được giống dừa đáp ứng được chất lượng nước uống ngon, chống chịu được với điều kiện khô nóng của miền Trung để phát triển, sinh trưởng mạnh. Còn về biện pháp canh tác thì phải đưa ra được gói kỹ thuật cho cây dừa, từ bón phân, tưới nước và quản lý sâu bệnh hại.
Về dừa chế biến, theo TS Cường, không cần đặt nặng về chất lượng nước, chỉ cần đưa ra được giống dừa năng suất cao, cơm dừa phải dày, hàm lượng dầu cao. "Quan trọng hơn là các nhà khoa học cần đưa ra các gói kỹ thuật về chế biến sâu đối với dừa chế biến. Nước trong dừa chế biến dù không uống nước nhưng cũng có thể chế biến những món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng ví như thạch dừa”, TS Cường chia sẻ.
+ "Tiềm năng phát triển cây dừa ở miền Trung là rất lớn, nhất là ở những vùng đất cát xám bạc màu và những vùng đất cát ven biển. Ngoài vai trò kinh tế, trồng dừa ở những vùng đất cát ven biển còn có lợi ích về mặt chống đỡ thiên tai, sóng thần; dừa phải là cây trồng chủ lực của miền Trung”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ. + "Sau khi đánh giá kỹ lưỡng thực trạng cây dừa trên địa bàn, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương, xây dựng đề án cảo tạo vườn dừa. Qua đề án này Bình Định sẽ phân tích lợi ích của cây dừa và có quy hoạch tổng thể để phát triển cây dừa trên địa bàn”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn