Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có 29.600 trang trại, trong đó có 29,83% trang trại tổng hợp, 37,2% trang trại chăn nuôi, 17,86% trang trại thủy sản, 13,66% trang trại tổng hợp và 1,46% trang trại lâm nghiệp. Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp trong các vùng sinh thái, và đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế cũng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/năm; thậm chí một số mô hình cho doanh thu từ 5 – 10 tỷ đồng/năm, khẳng định kinh tế trang trại là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trang trại chanh vàng của anh Nguyễn Hữu Hà (bên trái) ở Khoái Châu (Hưng Yên) đạt lợi nhuận 1,7 tỷ đồng/năm.
Đơn cử như tại Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 865 mô hình kinh tế trang trại, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 2.158,2 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 2,5 tỷ đồng. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Cơ (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ), doanh thu 21,9 tỷ đồng/năm, lãi 5,8 tỷ đồng/năm; trang trại trồng trọt của ông Hoàng Hữu Quốc (Tiên Tiến, Phù Cừ) doanh thu 5 tỷ đồng/năm, lãi 1 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi lợn của ông Đỗ Văn Chuyên, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) với diện tích 3,77ha, doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm.
Tại Bắc Giang, tính đến tháng 4/2017, trên địa bàn đã có 778 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tăng 8 trang trại so với năm 2016, trong đó số trang trại được cấp giấy chứng nhận là 671 trang trại, chiếm 86,2%. Tổng diện tích đất trang trại sử dụng là 1.771ha, tổng số lao động làm việc tại trang trại là 3.850 người. Giá trị sản xuất thu được từ loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 1.540 tỷ đồng.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: “Giải pháp phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững”, tổ chức tại Hưng Yên ngày 20/7/2017, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: “Kinh tế trang trại đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản”.
Dù có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nhưng có một thực tế là việc phát triển kinh tế trang trại đang gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, tích tụ đất đai để phát triển quy mô lớn.
Ông Khởi nêu một thực tế, mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn (trung bình 2 tỷ đồng/trang trại) nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số loại hình trang trại chăn nuôi, thủy sản, còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp giá trị sản xuất thấp, do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu. Phần lớn chủ trang trại hiện nay còn thiếu thông tin về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý nên sản xuất chủ động. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định. Sản xuất của các trang trại chưa thực sự bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, khó khăn lớn nhất của các trang trại hiện nay là khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi nên đa phần các trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Trình độ, năng lực của các chủ trang trại còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa quan tâm đến việc đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, do tấm giấy này chưa mang lại những thuận lợi cho việc phát triển. Cho đến nay, giấy chứng nhận kinh tế trang trại chưa có giá trị trong việc tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Nói cách khác, giấy chứng nhận chỉ để cho... đẹp.
“Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này là do chúng ta vẫn thiếu những chính sách, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế trang trại; chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng; vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trang trại còn hạn hẹp; công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; chưa có đủ điều kiện để hình thành các thương hiệu mạnh”, ông Khởi khẳng định.
Từ thực tế phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, KS.Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới của tỉnh. Cho phép các chủ trang trại, gia trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã được xây dựng nhà ở kiên cố, nhà bảo vệ, kho vật tư và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các trang trại vay vốn mua sắm máy móc thiết bị, vật tư với thủ tục vay đơn giản, giải ngân kịp thời theo nhu cầu sản xuất hoặc tiến độ đầu tư, tránh tình trạng thủ tục rườm rà.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Doanh nhấn mạnh, cần có chính sách và thực hiện tốt việc tích tụ đất đai, quan tâm bố trí các vị trí thuận lợi, phù hợp cho phát triển kinh tế trang trại; tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận với các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại được thuận lợi, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất, thời hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của từng loại sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), cả trước mắt và lâu dài, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại vẫn là hai loại hình tổ chức sản xuất phổ biến, vì vậy cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ. Người nông dân được đào tạo về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất,... có tinh thần hợp tác sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
“Để kinh tế trang trại phát triển, cần tháo gỡ nút thắt về đất đai, cần khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn mức, các đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao quy mô của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhất là quy mô hộ gia đình. Thực hiện chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và nhịp độ phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, nhất là chế định về góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, ông Tiến khẳng định.
Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn