Theo các chuyên gia ngành khai thác mỏ, do đặc thù khu vực mỏ có vị trí sát biển (cách 1,5 km), cách TP Hà Tĩnh gần 6 km; bờ mỏ là cát biển, địa chất thủy văn phức tạp, độ sâu đáy mỏ -550m, rủi ro cao khi khai thác mỏ xuống sâu (nước mặt và nước biển ngấm vào mỏ, trong điều kiện Hà Tĩnh là tỉnh thường xuyên hứng chịu mưa bão). Vì vậy, việc khai thác mỏ đòi hỏi yêu cầu rất cao về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ.
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam khảo sát thực địa khu vực khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh
Trong khi đó, thiết kế kỹ thuật của dự án thực hiện công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, truyền thống, giống như khai thác mỏ đá xây dựng, công nghệ lạc hậu. Với cấu trúc địa tầng lớp mặt đất đến -140m là cát xen sét, tồn tại nhiều nước ngầm (lượng nước chảy vào moong khai thác lớn nhất 9.717 m3/h), rất dễ gây sạt trượt khi tiêu thoát nước, dẫn đến nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ. Vì vậy, nguy cơ rủi ro, mất an toàn là rất lớn.
“Do tầng đất phủ dày, cấu thành từ cát bở rời lẫn ít sét, nên khi mở moong lộ thiên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ ổn định bờ mỏ, nhất là đối với tầng gần mặt đất, trên mực nước ngầm nếu không đảm bảo góc dốc của bờ mỏ (khoảng 30 độ). Thực tế cho thấy, từ năm 2010-2017, cứ sau một trận mưa thì những dòng chảy mặt lại cuộn trôi cát xuống moong mỏ, tạo nên những bãi bồi tích (nón phóng vật) ở chân bờ mỏ. Vì vậy, phải tốn thêm công sức, chi phí bốc xúc ở đáy moong mỏ” – GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, phân tích.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận
Một trong những băn khoăn các nhà khoa học quan tâm, đó là vấn đề tháo khô, thoát nước mỏ. Theo đánh giá của 2 chuyên gia: Ths Lưu Văn Thực - Viện Khoa học công nghệ mỏ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và PGS.TS Hồ Sỹ Giao - Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam thì điều kiện địa chất thủy văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp, gây khó khăn cho quá trình hoạt động khai thác.
Khi đáy mỏ xuống tới độ sâu -195m thì biên giới khai trường phía Đông Bắc cách mép nước biển 500m, sông Thạch Đồng chảy qua phía Tây mỏ, các vùng đá vỡ vụn rộng lớn có hệ số thấm nước cao, vài tầng chứa nước và tổ hợp chứa nước có liên kết thủy lực với nhau. Do đó, đây là mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như là một dòng sông.
Việc mở moong lộ thiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ ổn định bờ mỏ, nhất là đối với tầng gần mặt đất, trên mực nước ngầm.
Giải pháp tháo khô và thoát nước mỏ của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đề xuất là áp dụng hệ thống các giếng khoan để hạ thấp mực nước kết hợp với thoát nước cưỡng bức bằng các trạm bơm đặt ở đáy mỏ và trên bờ mỏ. Nhưng giải pháp này thực hiện rất khó khăn và tốn kém.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với tỉnh Hà Tĩnh và TIC, nhiều ý kiến cho rằng, toàn bộ quặng sắt mỏ Thạch Khê nằm dưới mực nước biển đến độ sâu ->500m và dưới mực nước ngầm của các cồn cát ven biển. Khi mở moong mỏ lộ thiên thì nước ngầm và nước mưa đều đổ vào đây, nhất là thời kỳ mưa bão miền Trung, moong mỏ sẽ ngập sâu.
Mỏ sắt Thạch Khê cách bờ biển chỉ 1,5km
Theo các nhà địa chất, thủy văn, lượng nước chảy vào moong mỏ trung bình đến 3.171.800 m3/ngày đêm sẽ gây nhiều khó khăn khi thoát nước và tháo khô mỏ. Đặc biệt, khi bơm nước tháo khô mỏ thì đồng thời cũng là cạn khô dần mực nước ngầm xung quanh khai trường mỏ. Năm 2011, người dân các xã vùng vành đai mỏ như: Thạch Đỉnh, Thạch Bàn đã phát hiện được mực nước ngầm hạ thấp rất nhanh, do vậy, họ phải khoan giếng sâu hơn để lấy nước nhưng nước bị nhiễm phèn rất nặng.
“Sụt giảm nước ngầm ắt hẳn dẫn đến hiện tượng sụt lún mặt đất. Nếu nghi ngờ nhận định này thì có thể quan trắc bằng máy móc chuyên dụng để kiểm định” - GS.TSKH Đặng Trung Thuận chia sẻ.
(Còn nữa)
Theo Nhóm P.V/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn