Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản(Vinacomin), từ 20/4 giá than bán cho ngành điện đã được Thủ tướng và Bộ Công thương chấp thuận cho tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011, tương đương 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Giá điện cần được tăng theo lộ trình từng bước ngắn để không tác động quá
Lý giải cho việc tăng giá này, theo Vinacomin, trong quý 1/2013 giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 71 - 73% giá thành năm 2011 đã kiểm toán và bằng 63 - 66% giá thành năm 2013. Tính riêng trong quý 1, tổng giá trị than bán cho ngành điện thấp hơn giá thành năm 2013 khoảng 1.500 tỉ đồng. Vinacomin cho rằng, giá bán cho ngành điện thấp, trong khi phải cung cấp cho ngành điện tới 50% sản lượng trong nước (4 triệu tấn) nên ngành than “đuối sức”. Bên cạnh việc được điều chỉnh giá than bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011, Vinacomin cũng cho rằng nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá thành năm 2013 và có lãi thì điều kiện sản xuất, đời sống công nhân… mới tốt lên.
Trên thực tế, việc ngành than nôn nóng tăng giá than bán cho ngành điện không chỉ vì giá này đang phải duy trì ở mức thấp, mà còn do xuất khẩu than không thuận lợi, giá xuất khẩu xuống thấp không đủ để bù lỗ giá than bán cho ngành điện như trước đây.
Đáng nói, để bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011 thì giá than bán cho ngành điện sẽ phải tăng thêm khoảng 27 - 29% so với giá năm 2011, đẩy đầu vào ngành điện tăng mạnh tương ứng. Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN), cho biết chưa nhận được phương án tăng giá của ngành than. “Than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện tại nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày và ngày càng tăng lên. Tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt điện than, qua đó tác động đến giá điện”, ông Tri cho hay.
Cũng theo lãnh đạo EVN, theo Thông tư 31 của Bộ Công thương, giá các yếu tố dẫn tới giá điện tăng lên thì mới tính cụ thể mức tăng giá điện. Tháng 5, 6 sẽ tính cụ thể giá, nếu nước về sớm ở các nhà máy thủy điện thì thuận lợi, nếu không sản xuất điện sẽ còn khó khăn hơn, phải đổ dầu vào chạy điện.
Phải có lộ trình tăng
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, kéo dài tình trạng giá than bán cho ngành điện dưới giá thành là không hợp lý, nên tiến tới điều chỉnh dần theo giá thị trường là đúng. “Nhưng có hai điểm cần lưu ý khi tăng: tăng phải có lộ trình vì phải cân nhắc tác động đầu vào tới ngành điện và các ngành sản xuất khác, nếu không sẽ tạo cú sốc về giá, hệ lụy lớn hơn; thứ hai, tất cả các con số này phải được công khai, kiểm toán để tạo sự đồng thuận”, TS Phong nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Chính phủ đồng ý chủ trương tăng giá than bán cho ngành điện bằng 100% giá thành năm 2011, nhưng ngành than không thể tăng sốc một lần, mà cần chia làm nhiều đợt tăng, giảm áp lực cho giá điện.
Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn, nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá. Nhưng ngay từ đầu năm, ngành điện đã “cảnh báo” nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện, như tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trên cả nước, dự kiến sản lượng thủy điện năm nay thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ kWh so với năm 2012, và có nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỷ lệ huy động nhiệt điện than.
Cụ thể, tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8 - 2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Và nếu trường hợp này xảy ra, theo một phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn này sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo quy định. Chưa kể, EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010, cộng với 26.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015, đe dọa rất lớn tới mức tăng giá điện.
Mặt khác, theo quy định hiện hành khi có biến động giá đến 5% thì EVN được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố trên (tỷ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao) diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, thì yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%. Đây là lý do một chuyên gia trong ngành cho rằng cơ quan chủ quản là Bộ Công thương cần có tính toán cân nhắc chặt chẽ tới thời điểm tăng giá của cả than và điện. Nếu giá than được điều chỉnh ngay trong mùa khô năm nay, thì sức ép lên giá điện là rất lớn.
Đáng chú ý hơn, giá điện lại đang được nhận cơ chế rất “mở” của Bộ Công thương trong dự thảo cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện. Theo đó, khi thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí phát điện có biến động, làm giá điện tăng 2% so với giá đang áp dụng và nằm trong khung giá, thì EVN được phép tăng giá bán điện. Với mức tăng rất thấp này, giá điện sẽ được tạo cơ hội biến động tăng nhanh và nhiều hơn. "Tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt điện than, qua đó tác động đến giá điện", ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN. |
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, mức tăng giá than bán cho ngành điện theo dự kiến rất lớn, gần 1/3 so với giá thành năm 2011. “Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tăng giá điện đột biến, tác động rất lớn đến lạm phát. Bởi vậy, không thể tăng đột ngột mà phải tăng dần, tăng từng bước ngắn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phải tính toán lộ trình tăng để giữ ổn định cho nền kinh tế, không tác động lớn đến lạm phát. Với các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như than, điện, việc nhích dần lên cơ chế thị trường là đúng, nhưng nhích lên như thế nào cần phải tính toán kỹ, đặc biệt các con số lỗ lãi của các tập đoàn độc quyền phải thực sự minh bạch, không thể khi muốn tăng giá thì nói lỗ, cuối năm hạch toán lại nói lãi”, TS Hồ nhìn nhận. |
Theo Thanh Niên Online