Hiện giá thịt lợn ở Việt Nam vẫn đang trong tốp cao nhất thế giới, tuy mang lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn thị trường. Đặc biệt là với quy mô thị trường gần 100 triệu dân có thói quen tiêu dùng thịt lợn sẽ là cơ hội để các nước có nền chăn nuôi lợn phát triển tìm cách xuất khẩu thịt lợn vào nước ta.
Nông dân Bạc Liêu chăm sóc heo hơi chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh minh họa: I.T
Giá heo hơi (lợn hơi) vẫn đang ở mức cao, các doanh nghiệp đề nghị tăng giá bán thịt lợn
Theo Bộ NN&PTNT, trong quý I/2018, giá lợn hơi giữ ở mức 31.000 - 32.000 đồng/kg, nhưng đến đầu quý II, giá bắt đầu tăng lên từ 35.000 - 48.000 đồng/kg, đặc biệt đến quý III, giá tăng cao từ 49.000 - 53.000 đồng/kg và hiện đang giữ ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Từ tháng 5/2018 đến nay, giá lợn hơi tại Việt Nam tăng nhanh và luôn cao hơn giá lợn hơi tại các nước lân cận như Trung Quốc và Thái Lan.
Hiện, giá lợn hơi trong nước hiện nay đã quá cao so với giá thành sản xuất. Cụ thể, giá thành lợn thịt ở khu vực chăn nuôi trang trại hiện nay đang dao động từ 37.000 - 38.000 đồng/kg và khu vực chăn nuôi nông hộ dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc hiện nay đang dao động từ 48.000 - 54.000 đồng/kg; tại các vùng chăn nuôi trọng điểm phía Nam, giá heo hơi dao động phổ biến từ 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Điều đáng chú ý là mới đây, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh đã được Sở Tài chính thành phố chấp thuận cho điều chỉnh giá thịt lợn tươi sống lên 1.000-7.000 đồng/kg (tùy loại), áp dụng từ ngày 11/10.
Cụ thể, theo mức giá mới, thịt lợn đùi có giá bán 107.000 đồng/kg, thịt vai 95.000 đồng/kg, cốt lết 101.000 đồng/kg, sườn già 97.000 đồng/kg, chân giò 90.000 đồng/kg, thịt nạc 114.000 đồng/kg, thịt ba rọi 122.000 đồng/kg.
Riêng mặt hàng giò lụa không hàn the cũng áp dụng giá mới, tăng 4.000 đồng và lên mức 174.000 đồng/kg.
Việc điều chỉnh này dựa trên cơ sở giá lợn hơi liên tục tăng trong thời gia qua đã gây khó khăn cho doanh nghiệp bình ổn. Một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Tài chính điều chỉnh giá bán thịt lợn bình ổn, đảm bảo cân đối lợi ích của các bên, trong đó có doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo ghi nhận tại các Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không có điểm bán hàng bình ổn, giá bán lẻ thịt lợn đã tăng từ 5.000-11.000 đồng/kg. Còn ở mạng lưới chợ truyền thống, giá bán lẻ thịt lợn cũng tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg.
Cần để giá lợn hơi vận động theo quy luật thị trường
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - một chủ trang trại chăn nuôi lợn, hiện nay số lượng lợn hơi đủ trọng lượng xuất chuồng để giết mổ trong dân không còn nhiều. Một số doanh nghiệp lớn có quy mô chăn nuôi lớn cũng hạn chế xuất lợn bán ra ngoài vì chủ yếu để phục vụ chế biến.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CP Kiều Minh Lực cho biết, hiện sản lượng cung cấp thịt heo hơi cho thị trường vẫn đang rất căng thẳng, khan hiếm. Ảnh minh họa
Vì vậy, để tăng sản lượng thịt lợn trên thị trường, cần để lợn có trọng lượng lớn. “Mỗi con lợn bán ra tăng hơn 10kg, lượng thịt cung cấp ra thị trường sẽ tăng thêm 10% mà không cần tăng đầu lợn. Hiện nay nguồn cung đang khan hiếm, nếu các trang trại bán lợn càng nhỏ thì lượng thịt thiếu càng tăng đẩy giá lợn càng tăng cao” - ông Hùng nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CP cũng chia sẻ, năm 2017, khi giá lợn xuống thấp nhất, dưới 20.000 đồng/kg, sản lượng thịt lợn CP chỉ bán được 10% so với bình thường, tồn kho rất nhiều.
Tại thời điểm giá đang tăng cao như hiện nay, có những lúc CP bán lên 200% so với công suất. Đến nay, con số này đã giảm xuống còn 130%. "Nếu tình hình này còn kéo dài thì cũng rất căng thẳng, bởi trước kia lợn xuất chuồng là 120 kg/con giờ còn 100 kg, và hiện đang tiếp tục giảm về trọng lượng, tuổi lợn, chuồng đang trống nhiều", ông Lực lo ngại.
Còn ông Phạm Văn Học, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam nhận định: "Để phát triển bền vững, không còn giải pháp nào bền vững hơn là các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn. Ngoài ra, cần có một hiệp hội về chăn nuôi lợn đi cùng với các doanh nghiệp chiếm thị phần, tỷ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết khi thị trường".
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Phương - Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cho rằng, về ngắn hạn nên để giá lợn hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng quản lý nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu. Xét cho cùng, chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán.
Ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội "hiến" kế: Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi hàng tuần, hàng tháng có thể đề nghị các DN tự nguyện công bố giá bán để từ đó đưa ra mức giá trung bình hợp lý nhất, cũng là cách tránh để nông dân bị thương lái ép giá...
Doanh nghiệp đừng "tham bát bỏ mâm" Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian gần đây giá thịt lợn tăng cao, doanh nghiệp và người chăn nuôi có lãi là điều đáng mừng. Nhưng điều lo ngại chính là việc nếu giá lợn vẫn ở mức cao và kéo dài thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào, khi đó sẽ mất thị trường. Do đó, Bộ trưởng lưu ý các doanh nghiệp cần lấy đúng mức lãi, đừng "tham bát bỏ mâm" để rồi sau này mất thị trường, khi đó còn thiệt hại lớn hơn nhiều. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi lợn đang phát triển rất tốt như hiện nay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn