Giá heo miền Bắc không tăng, cửa tiểu ngạch vẫn "khép"?
Theo khảo sát, tại miền Bắc giá heo hơi hôm nay không có biến động, giá ổn định quanh mức 33.000-35.000 đồng/kg. Một số tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, giá heo hơi có cao hơn, từ 34.500 - 36.000 đồng/kg đối với heo siêu có trọng lượng từ 120-130kg/con.
Giá heo hơi hôm nay 23/1 tại khu vực phía Bắc vẫn ổn định từ 33.000 - 35.000 đồng/kg. Ảnh: T.L
Cụ thể các tỉnh như Lạng Sơn, giá heo hơi được thu mua với giá 34.500 - 35.300 đồng; tại Móng Cái (Quảng Ninh), giá lợn hơi hôm nay đạt từ 34.000 - 35.500 đồng một kg. Ông Vũ Năng Đẩy, chủ một trang trại nuôi heo tại Lai Châu cho biết, hiện giá heo hơi tại khu vực Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu có nhỉnh hơn so với các vùng đồng bằng, dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg đối với heo siêu loại đẹp.
Theo Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam (AgroMonitor), mặc dù giá heo hơi tại thị trường nội địa đang cải thiện so với đầu tháng 12.2017, nhưng những ngày qua tình hình tiêu thụ heo ở các kênh biên mậu vẫn khá trầm lắng, lượng heo tiêu thụ được qua cửa tiểu ngạch rất khiêm tốn.
Trước tình hình nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn đang bình ổn, công ty này dự báo trong những ngày tới, giá heo hơi sẽ khó có khả năng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng.
Giá heo hơi giảm sâu, doanh nghiệp lớn cũng "kêu trời"
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam - một trong những doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi ở phía Bắc vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và năm 2017. Theo đó, trong quý IV, mặc dù doanh thu giảm 10% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 8%, đạt hơn 64 tỷ đồng.
Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc dao động phổ biến từ 33.000-35.000 đồng/kg. Với giá này, một số chủ trang trại, doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi, tuy nhiên nhiều người chăn nuôi vẫn chưa thể gượng dậy do chịu cảnh thua lỗ kéo dài suốt hơn 1 năm qua. Ảnh minh hoạ
Tính chung cả năm, công ty đạt doanh thu thuần 5.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Dabaco, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng 49%, sau đó là doanh thu nuôi gia công, chế biến thực phẩm 17%.
Theo lý giải của công ty, sự sụt giảm kết quả kinh doanh này là do năm 2017 là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn, giá heo hơi cũng như giá các sản phẩm chăn nuôi giảm sâu trong suốt cả năm trời, làm ảnh hướng đến các chủ trang trại, doanh nghiệp ngành chăn nuôi, trong đó Dabaco cũng không ngoại lệ.
Sự sụt giảm về giá bán thức ăn chăn nuôi và giá bán lợn hơi (thời điểm thấp nhất giá bán lợn hơi chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg) dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia công giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trước đó, Ban lãnh đạo công ty này cho biết, từ tháng 11-12.2016 và kéo dài sang năm 2017, việc xuất bán lợn thịt sang thị trường Trung Quốc bị chững lại, cả giá bán và sức tiêu thụ đều giảm mạnh, dẫn đến thị trường lợn giống khó khăn, giá bán thấp, ứ đọng sản phẩm.
Ngoài việc lợi nhuận bị sụt giảm mạnh, công ty cũng gặp nhiều áp lực về chuồng trại, nhân công, nguy cơ dịch bệnh tăng.
Thảm cảnh càng nuôi càng lỗ, nhưng vẫn... phải nuôi
Các "đại gia" chăn nuôi lớn khó khăn 1, thì các chủ trang trại, người nuôi nhỏ lẻ khó khăn gấp 5-7 lần, đặc biệt là càng nuôi lớn càng lỗ nhiều. Theo tìm hiểu của PV, những người không đủ lực, hầu hết đã ngừng chăn nuôi từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng giá heo xảy ra. Còn những người vẫn duy trì đến thời điểm này, phần lớn đều đã phải vay vốn từ các ngân hàng, hoặc vay lãi ngoài.
Một trại nuôi heo thịt lớn tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Ảnh: Báo Đồng Nai
Bà con cho biết, với tình cảnh giá heo hơi thấp kéo dài, người nuôi giỏi kiểu nào... cũng bị lỗ. Còn nuôi, là còn lỗ. Có không ít người không chịu được lỗ, buộc phải bán trại để giảm nợ. Những hộ chăn nuôi heo muốn trụ lại ngoài lo vốn đến thời điểm thanh toán, còn phải tìm tiếp nơi vay mới để duy trì đàn.
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Dương Phương Nam, chủ trang trại sinh năm 1983 ở thị trấn Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Giá heo hơi hôm nay tại địa bàn phổ biến ở mức 33.000-34.000 đồng/kg. Mức giá này đã chững lại trong khoảng 2 tuần qua, giúp những hộ nuôi heo thịt có lãi chút ít.
Tuy nhiên, với những người làm heo giống, hầu hết vẫn chưa thoát khỏi cảnh lỗ triền miên. Hiện giá heo giống tại địa phương đạt khoảng 500.000 - 650.000 đồng/con (loại 10kg), trong khi phải đạt 700.000 đồng/con mới có lãi.
"Gia đình tôi đã phải cắt giảm hết lao động và cắt giảm khoảng 1 nửa đàn nái. Hiện vợ chồng tôi suốt ngày tất bật chăm 300 con lợn nái, ngoài ra còn nuôi lợn thịt. Ấy vậy mà vẫn phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để duy trì việc chăn nuôi" - anh Nam cho biết.
Khi PV hỏi vì sao không ngừng nuôi lợn để cắt lỗ, anh Nam thẳng thắn chia sẻ: "Với những người còn nuôi heo đến giờ này, gần như đã không thể dừng lại nữa, vì dừng lại là... chết ngay, biết lấy đâu ra tiền quay vòng để trả nợ? Nếu ngừng chăn nuôi, chuồng trại đã đầu tư sẽ hư hỏng, 300 con nái cũng sẽ phải bán với giá rẻ bèo. Thế nên gia đình tôi vẫn quyết bám trụ, với hi vọng còn cầm cự là còn cơ hội gỡ gạc".
Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại heo ở xã Lộc An (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Tôi nuôi heo hơn 30 năm nay, chưa khi nào gặp cảnh thê thảm như vậy. Những tháng trước, trung bình mỗi tháng tôi lỗ khoảng 250 triệu đồng. Để có thể duy trì đàn và thanh toán vốn vay, tôi phải bán 1 ha đất nhưng tiền bán đất cũng chỉ đủ cầm cự được thời gian ngắn. Vì vậy, tôi rất mong Nhà nước, các tổ chức ngân hàng sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay, gia hạn nợ đề người chăn nuôi vượt qua khó khăn, hi vọng năm 2018 giá heo hơi sẽ cải thiện và ổn định".
Giá heo hơi giảm quá sâu và quá lâu đã khiến hoạt động sản xuất con giống lợn, giống gà cũng bị ảnh hưởng theo. Nguyên nhân là do giá bán lợn hơi xuống quá thấp, người chăn nuôi e dè tái đàn, hoặc giảm đàn nên khiến giá bán và sức tiêu thụ con giống của các công ty sụt giảm. |
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn