Giá heo hơi tại nhiều tỉnh vẫn đang tăng từng ngày
Theo ghi nhận từ thị trường, giá heo hơi tại Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình báo tăng nhiều nhất, 4.000 đồng/kg với Lào Cai, Yên Bái lên 49.000 đồng/kg, Ninh Bình đạt 48.000 đồng/kg.
Hiện mặt bằng giá heo hơi cả nước tương đối ổn định và có lợi cho người chăn nuôi, dao động phổ biến từ 44.000-48.000 đồng/kg đối với heo siêu xuất tại chuồng. Ảnh minh hoạ
Tại Tuyên Quang, giá heo hơi cũng tăng mạnh 3.000 đồng/kg lên 47.000 đồng; tại Ba Vì (Hà Nội) giá heo hơi cũng ghi nhận lên đến 47.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các địa bàn khác của Hà Nội, hay Nam Định tăng ít hơn, lên 48.000 đồng/kg, chênh khoảng 1.000 đồng/kg so với hôm trước.
Các tỉnh khác giá heo hơi hôm nay vẫn ổn định ở mức cao. Đơn cử như tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, thương lái thu mua dao động quanh mức 48.000 đồng/kg; Phú Thọ đạt 46.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, Hải Dương giá heo hơi chủ yếu ở mức 48.000 đồng, có nơi lên 49.000 – 50.000 đồng/kg đối với heo siêu loại đẹp.
Giá heo giống xách tai, tiêm phòng đầy đủ tại miền Bắc hiện cũng tăng khá tốt, dao động từ 1-1,3 triệu đồng/con.
Theo ông Phạm Thành Nhương, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang tăng cao, đảm bảo chăn nuôi có lãi.
Cụ thể, lợn F1 giá từ 35.000 - 37.000 đồng/kg; lợn F2, F3 từ 42.000 - 43.000 đồng/kg; lợn ngoại dao động từ 45.000 - 46.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá thịt lợn ngoài chợ đã tăng lên đến 90.000 - 100.000 đồng/kg tuỳ loại.
Tuy nhiên lợn thịt đến tuổi xuất bán không có nhiều vì “bão giá” trong khoảng thời gian dài, gây thua lỗ và khó khăn về tài chính cho người chăn nuôi. Hầu hết các trang trại, gia trại đều giảm quy mô chăn nuôi để duy trì SX hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi; một số tạm ngừng tái đàn, để trống chuồng hoặc chuyển đổi ngành nghề có thu nhập cao hơn.
Tại các tỉnh phía Nam, một số địa phương cũng có sự tăng giá tốt. Đơn cử như tại Hậu Giang, giá heo hơi ghi nhận mức tăng này lên 48.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại Tây Ninh, Cần Thơ lần lượt 44.000 đồng và 47.000 đồng/kg; tại Bạc Liêu giá heo hơi tăng tương tự lên 45.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Thành Trung, thương lái thu mua heo tại TP. Cà Mau, cho biết, hơn 10 ngày trở lại đây, giá heo hơi tăng nhanh, hiện đang ở mức trên 40.000 đồng/kg. Giá vẫn đang nhích dần đều mỗi ngày trên 1.000 đồng/kg: hồi đầu tháng 4 là 40.000 đồng/kg đối với heo trong tỉnh, nay đã lên 43.000 - 44.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tăng từng ngày, nông dân thận trọng tái đàn
Sau gần 2 năm lao đao vì giá heo lao dốc, gần đây người chăn nuôi mới phấn khởi trở lại khi giá heo hơi liên tục đi lên, hiện đã đạt phổ biến từ 44.000 – 48.000 đồng/kg. Một câu hỏi nhiều người đặt ra: Người chăn nuôi cần làm gì để tận dụng tối đa thời cơ “vàng” này?
Giá heo hơi tăng trong gần 2 tháng qua khiến nông dân rất phấn khởi, việc tái đàn vẫn diễn ra nhưng thận trọng hơn do bà con lo ngại giá sẽ lại quay đầu giảm đột ngột như tháng 7/2017. Ảnh: I.T
Trước đó, vào tháng 4/2018, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành khảo sát thực tế các yếu tố liên quan đến nguồn cung và nhu cầu mặt hàng thịt heo, trong đó làm việc trực tiếp với một số đối tác lớn ảnh hưởng chi phối tới thị trường thịt heo trong nước, như: CP, Dabaco, Masan, Hội chăn nuôi VN, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai… và thống nhất một số đánh giá như sau:
Giá thịt heo trong nước hiện nay chịu sự chi phối chính vẫn là các yếu tố cung – cầu trong nước, một lượng xuất tiểu ngạch sang Lào, Campuchia là không đáng kể.
Giá heo hơi tăng lên là kết quả của giải pháp cân đối cung – cầu mặt hàng thịt heo mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương triển khai kiểm soát giảm đàn heo nái từ cuối năm 2016 và trong năm 2017 thì nay là thời điểm đã có tác động làm giảm nguồn cung heo thịt ra thị trường.
Tuy nhiên, gần đây giá tăng nhanh bất thường là có dấu hiệu găm hàng, tạo hiệu ứng khan hiếm giả nguồn cung. Nếu không có các giải pháp điều tiết, cắt nghĩa đúng sẽ có thể gây thêm những rủi ro cho ngành hàng đang còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ bất ổn này.
Cũng theo ông Phạm Thành Nhương, tình hình thị trường tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra bình thường, không có biến động. Bởi, lợn thịt tiêu thụ tại địa phương chủ yếu vào hai nguồn như giết mổ tiêu dùng trong tỉnh (nguồn này hiện nay không tăng, thậm chí còn giảm vì đã qua thời kỳ có nhiều lễ hội trong năm, hơn nữa thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm).
Nguồn thứ hai là vận chuyển đi tiêu thụ ở tỉnh ngoài (chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh). Nguồn này cũng giảm vì giá bán lợn thịt tại các tỉnh so với Thái Bình chênh lệch không nhiều. Vận chuyển đường dài khi nắng nóng tỷ lệ hao hụt lớn, người kinh doanh không có lãi nên nguồn tiêu thụ tỉnh ngoài cũng giảm.
Ông Nhương khẳng định: “Tại Thái Bình, việc tái đàn lợn vẫn diễn ra thường xuyên nhưng ở mức độ cầm chừng. Từ thời điểm giá lợn tăng đến nay, việc tái đàn có khởi sắc hơn, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tái đàn, chứ không ồ ạt như trước”.
Dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt heo các tháng mùa hè sẽ giảm và giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng do các loại nguyên liệu chính, như: khô đậu tương, ngô và đặc biệt các loại thức ăn bổ sung nhập khẩu tăng cao.
Vì thế, Cục Chăn nuôi đã đề nghị các Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo: Thống kê nắm sát số đầu heo thịt trên địa bàn, kịp thời khuyến cáo các thông tin về thị trường và quy mô đàn heo trên địa bàn để người chăn nuôi biết và có giải pháp điều chỉnh chăn nuôi phù hợp.
Trong đó, không khuyến khích tăng quy mô đàn heo, vì với quy mô đàn heo như hiện nay, người chăn nuôi chỉ cần đẩy mạnh các biện pháp thâm canh tăng năng suất sinh sản và năng suất heo thịt là có thể nâng ngay được sản lượng thịt heo xuất chuồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn