Giá heo hơi (lợn hơi) như thế nào mới là chấp nhận được?
Theo Bộ NNPTNT, nếu cứ để giá duy trì ở mức cao (dự báo vẫn còn tăng), chắc chắn thịt ngoại sẽ ồ ạt nhập vào thị trường, lúc đó chăn nuôi lại gặp khó khăn. Hơn nữa, giá lợn hơi cao còn dẫn tới nguy cơ người chăn nuôi lại đổ xô nuôi, đưa đến tình trạng cung vượt cầu, giá cả lại rơi vào bấp bênh như năm 2016 – 2017.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay trên thị trường phổ biến từ 47.000 - 53.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: Đ.T
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất, như lý giải của Bộ NNPTNT, giá thịt cao sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, nên “vì mục tiêu chung, doanh nghiệp và nông dân cần chia sẻ lợi nhuận”.
Theo lập luận của Bộ NNPTNT, khi giá lợn hơi giảm xuống ở ngưỡng chấp nhận được, sẽ giúp thị trường lẫn ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững. Nhưng, trong khi tổng đàn lợn giảm 6,2% (tháng 4.2018) và 3% (tháng 6.2018) so với cùng kỳ 2017 là 27,4 triệu con (báo cáo của Cục Chăn nuôi), nên giải pháp kêu gọi giảm giá lợn hơi rất khó thực hiện.
Khảo sát thị trường, ngay sau cuộc họp với Bộ NNPTNT, một số doanh nghiệp lớn như C.P, Dobaco… đã chủ động giảm 500 đồng/kg (ở các tỉnh phía Bắc), tuy nhiên đến ngày 15.10, giá lợn hơi trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao (trung bình 53.000 – 55.000 đồng/kg), không giảm chút nào.
Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai, vừa tham dự cuộc họp với Bộ NNPTNT, bình luận: “Vấn đề của thị trường thịt lợn Việt Nam hiện giờ là nguồn cung đang hụt nghiêm trọng, nên sản lượng của 12 doanh nghiệp khó có thể điều chỉnh được thị trường. Nếu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi còn 50.000 đồng/kg, mà ngoài thị trường vẫn cao sẽ không thể ngăn cấm thương lái vào các công ty mua gom đem ra ngoài bán kiếm lời. Hiệu quả kêu gọi giảm giá sẽ không đạt được mục đích”.
Nông hộ nuôi lợn chưa thoát "thảm cảnh"
Ở một khía cạnh khác, vài năm gần đây, chăn nuôi lợn ở Việt Nam đã dịch chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang trang trại lớn, tập trung và các hình thức liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân – doanh nghiệp, nhưng thực tế đàn lợn còn gần 30 triệu con hiện nay vẫn đang chia đều cho khoảng 2,5 triệu nông hộ nắm giữ (cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi). Như vậy, 12 công ty chăn nuôi lớn, theo tính toán, không thể nắm thị phần chi phối để quyết định thị trường.
Cuộc "khủng hoảng giá heo" năm 2017 đã khiến nhiều nông hộ lâm cảnh lao đao, trắng tay vì thua lỗ. Ảnh minh họa: I.T
Với khoảng 2,5 triệu nông hộ chăn nuôi, hai năm 2016 và 2017 thực sự là thảm cảnh đối với họ. Giá lợn hơi, có thời điểm giảm còn 15.000 – 20.000 đồng/kg, người nuôi thua trắng. Nợ nần có, bán bớt tài sản trả nợ cũng có, bán chuồng trại cũng có, thậm chí là phá sản, ngưng nuôi…
Cũng vào thời điểm đó, Nhà nước không hề có bất kỳ chính sách nào hỗ trợ nông dân, ngoại trừ giải pháp kêu gọi “xã hội giải cứu”. Số đông trong 2,5 triệu hộ chăn nuôi còn cầm cự được đến ngày hôm nay, đang bán được giá lợn hơi cao chút đỉnh, thực ra cũng chỉ đang lấy lãi bù lỗ cho hai năm trước đó.
Muốn chăn nuôi phát triển bền vững, ngoài các yếu tố cải tạo năng suất, giảm giá thành, Bộ NNPTNT cần ngồi với Bộ Công Thương tính toán số liệu cung cầu thị trường. Chỉ khi nào người chăn nuôi, doanh nghiệp có được thông số tương đối chính xác về nhu cầu sử dụng thịt lợn trong tuần, trong tháng, cả năm là bao nhiều để từ đó có kế hoạch chăn nuôi cho phù hợp, lúc đó ngành này mới tránh khỏi chuyện thừa thiếu, giá cả trồi sụt.
Còn cách làm hiện nay, can thiệp quá sâu vào thị trường là chưa hợp lý.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn