Hộ chuyển vật nuôi, hộ phá bỏ chuồng
Mất trắng 80 triệu đồng từ chăn nuôi lợn, giữa năm 2017, gia đình ông Nguyễn Mạnh Bá (xã Đức Hương - Vũ Quang) cải hoán chuồng trại để nuôi 500 con gà thịt và trên 200 con chim bồ câu giống. Theo ông Bá, chăn nuôi gà và bồ câu phù hợp với thế mạnh của địa phương, có hiệu quả kinh tế cao và độ ổn định chứ không rủi ro lớn như nuôi lợn.
Nuôi lợn thua lỗ, gia đình ông Nguyễn Mạnh Bá (xã Đức Hương - Vũ Quang) chuyển hướng nuôi bồ câu giống.
Tương tự, khi giá lợn hơi “lao dốc”, để giảm thua lỗ, gia đình ông Nguyễn Văn Châu (xã Thạch Văn – Thạch Hà) tập trung thải loại nái, giảm đàn lợn thịt. Dù giá lợn hiện tại cao kỷ lục song ông Châu vẫn không có ý định tăng đàn. Mặt khác, ông mở rộng quy mô chăn nuôi gà thịt trên 1.500 con/lứa.
Ông Châu cho hay: “Thời điểm cao nhất chúng tôi nuôi trên 45 con lợn thịt và lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Công sức, của cải “trôi sông trôi bể”, xót lắm. Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi chuyển sang nuôi gà. Giá gà ổn định, nếu có lên xuống cũng không đáng kể”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Châu (xã Thạch Văn – Thạch Hà) mở rộng quy mô gà thịt 1.500 con/lứa.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Lợn là vật nuôi chủ lực, song cơn “bão giá” đã tác động xấu tới tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Trước đây, các hộ nuôi quy mô 50 – 100 con/lứa thì nay giảm mạnh còn 30 – 50 con/lứa. Toàn xã có trên 240 hộ nuôi với gần 3.000 con lợn/năm nhưng hiện tại, chỉ còn non nửa.
Giai đoạn 2016 – 2017, giá lợn giảm sâu, địa phương chỉ đạo bà con duy trì lợn giống, giảm lợn thương phẩm và chuyển sang phát triển quy mô nuôi gà. Hiện tại, xã chỉ đạo nhân dân khôi phục sản xuất nhưng chỉ duy trì đàn lợn với số lượng cầm chừng, chú trọng phát triển đàn gà và các loại gia cầm khác”.
Nhiều hộ bỏ trống, thậm chí phá bỏ chuồng nuôi lợn sau "bão giá".
Rõ ràng, thiệt hại từ “bão giá” lợn hơi giai đoạn 2016 - 2017 không chỉ khiến người chăn nuôi kiệt quệ về kinh tế, không có vốn để tái đầu tư mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người dân. Dù giá lợn thời gian gần đây cao kỷ lục song bà con vẫn sợ “phập phồng như bong bóng” và biết đâu, lịch sử lặp lại?! Đó là lý do lý giải việc nhiều hộ dân nuôi cầm chừng trên cơ sở tận dụng phế phẩm nông nghiệp, hoặc chuyển vật nuôi, để chuồng không, thậm chí phá bỏ chuồng nuôi, gây lãng phí tiền bạc.
Doanh nghiệp chật vật chuyển lợn hậu bị vào Nam, ra Bắc
Không chỉ các hộ dân mà doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh cũng đối mặt nhiều khó khăn, thử thách sau "bão giá".
Đối mặt nhiều khó khăn trong "bão giá", Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh nỗ lực tìm kiếm thị trường mới là các "thủ phủ" chăn nuôi lợn của Việt Nam
“Năm 2017, công ty lỗ 45,9 tỷ đồng. Thiếu hụt vốn, buộc doanh nghiệp phải giảm đàn. Từ quy mô 5.500 con nái giảm xuống còn 3.800 con nái sinh sản, điều đáng nói là mỗi con nái nhập từ Thái Lan về có giá 30 triệu nay doanh nghiệp "nhắm mắt" bán 4 triệu đồng”, ông Hồ Sỹ Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh nhớ lại.
Cũng theo ông Thảo, lâu nay, nhiều bà con bỏ chuồng, bỏ cả quy trình phòng trừ dịch bệnh. Hơn nữa, hiện tại, giá lợn miền Trung cao nhất cả nước, lợn từ miền Bắc và miền Nam đổ về, áp lực dịch bệnh tăng cao. Để bảo vệ đàn, chi phí phòng bệnh của doanh nghiệp tăng 20-30%. Và bên cạnh áp lực về vốn, trả nợ, dịch bệnh, hiện nay, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh còn phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi lợn tại Hà Tĩnh.
Hiện giá lợn tăng cao, song Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tìm kiếm thị trường mới
Bắt đầu từ thời điểm giá lợn “xuống đáy”, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thua lỗ, vực dậy tình hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho các hộ liên kết. Bên cạnh giảm đàn, công ty táo bạo tìm thị trường mới, trong đó, “đánh mạnh” vào các “thủ phủ” chăn nuôi lợn của Việt Nam.
Từ 2017 lại nay, công ty cung ứng lợn nái hậu bị cho các tập đoàn chăn nuôi lớn như: Tân Long, Hòa Phát, Hồng Hà và các trang trại được mệnh danh là “thủ phủ lợn” của cả nước như: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định... Được biết, năm 2017, công ty xuất trên 2.100 con và năm 2018 dự kiến xuất trên 2.200 con.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn