Về giá heo hơi hôm nay 15/3, nhiều người đang kì vọng thời gian tới giá sẽ ổn định hơn, giúp nông dân có lãi.
Chia sẻ bên lề Triển lãm quốc tế lần 7 về chăn nuôi và thủy sản (ILDEX Vietnam 2018) tổ chức tại TP.HCM ngày 14.3, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp cam kết xây dựng nhà máy giết mổ với quy mô lớn và đạt chuẩn.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết năm 2018 sẽ có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi sẽ tham gia chế biến và giết mổ. Qua đó, có thể giúp giá lợn ổn định hơn Ảnh: Nguyên Vỹ
Hiện nay Tập đoàn Masan Việt Nam đang khởi công nhà máy giết mổ công suất 1,4 triệu con lợn/năm tại tỉnh Hà Nam. Tập đoàn Dabaco cũng thông báo tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý xây dựng cơ chế đặc thù cho việc xây dựng nhà máy giết mổ hỗn hợp lợn và gia cầm công suất khoảng 1 – 1,2 triệu con lợn/năm và 60 – 70 triệu con gia cầm/năm…
Các khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ là thách thức lớn mà ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết.
Theo ông Vân, các khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ là thách thức lớn mà ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết. Nhiều năm qua, công nghệ mới trong chăn nuôi cũng có chuyển biến tích cực.
“Điều này thể hiện mức độ quan tâm của quốc tế đến chăn nuôi Việt Nam ngày càng nhiều. Sự tiếp cận của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh thông qua việc xuất, nhập công nghệ giết mổ và chế biến”, ông Vân nói.
Công nghệ mới trong chăn nuôi ngày càng tăng, chế biến trong nước ngày càng được quan tâm.
Trong khâu tiêu thụ, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết tại Đồng Nai đã có Công ty Koyo&Unitek xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật nhưng số lượng còn khiêm tốn, khoảng 200 – 300 tấn/tháng.
Hiện các doanh nghiệp khu vực phía Nam đang tiếp tục phấn đấu đưa con số này lên ngưỡng 3.000 tấn/tháng. Đã có 8 doanh nghiệp và trang trại tham gia đăng ký xuất sang Nhật.
Lượng gia cầm trong nước sẽ được ổn định ở mức 320 triệu con.
Mới đây, Công ty cổ phần chăn nuôi CP cũng đã hứa sẽ san sẻ đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Thái Lan để Việt Nam tiêu thụ bớt đàn gia cầm trong nước, tiến tới ổn định 320 triệu con có mặt thường xuyên đủ để tiêu dùng trong nước và ít biến động giá cả.
Nhìn chung, Cục Chăn nuôi đánh giá năm 2017 đã chứng kiến nhiều nỗ lực nghiên cứu giảm giá thành từ rà soát công nghệ, đầu vào, sản xuất. Đã có những tín hiệu đáng mừng khi có doanh nghiệp công bố chỉ chăn nuôi gà trắng ở mức 22.000 đồng/kg, tiến tới hạ dưới 20.000 đồng/kg, ngang bằng Thái Lan.
Chăn nuôi nông hộ phải tiến tới liên kết theo chuỗi mới có thể đứng vững
Với những tâm tư về giá cả đặt ra từ khối chăn nuôi nông hộ, Cục trưởng Vân khẳng định đã đến lúc phải tỉnh ngộ ra rằng: Chăn nuôi theo phong trào, theo đồn thổi thường chỉ mang đến thất bại. Cần phải liên kết với nhau từ sản xuất đến thị trường mới có thể đứng vững.
“Tăng mạnh chuỗi liên kết là hướng đi đúng theo xu thế chung của thế giới để giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm cũng như tạo ra sản phẩm chất lượng”, ông Vân chia sẻ.
Nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực chăn nuôi được mang đến triển lãm ILDEX Vietnam 2018
Triển lãm quốc tế lần 7 về chăn nuôi, thú y, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản (ILDEX Vietnam 2018) diễn ra trong 3 ngày từ 14 – 16.3 tại quận 7, TP.HCM. Đây là Triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, thu hút gần 250 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Dự kiến triển lãm sẽ thu hút khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn