Một hộ chăn nuôi lợn ở Hà Nam cho biết: "Tôi có gọi thương lái vào bắt lợn mấy hôm nay, nhưng họ chỉ trả giá lợn có 30.000 đồng/kg và còn rất chê lợn. Cứ đà này, chắc chúng tôi phải bỏ chuồng".
Giá lợn hôm nay ở miền Bắc sau lũ vẫn ở mức thấp do các khu vực bị lũ có ít lợn, không ảnh hưởng đến nguồn cung.
Có một tâm lý đang hết sức hoang mang của người chăn nuôi hiện nay là, họ muốn tái đàn phục vụ lợn dịp Tết nhưng nhiều hộ đã phải bỏ nghề, số hộ còn duy trì được thì cũng cho biết, bán nốt lứa lợn này là bỏ nghề. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp FDI lại đang vào đàn với số lượng lớn.
Như con số Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) vừa công bố, hiện đã có 900.000 hộ chăn nuôi lợn bỏ nghề và dự kiến con số này sẽ còn tiếp tục tăng nên, trong khi đó các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là C.P không cho biết số liệu chính xác về tổng đàn lợn của họ là bao nhiêu?.
Dưới đây, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác khắc phục chăn nuôi sau lũ.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết: Giá lợn hôm nay và nguồn cung thịt lợn không bị ảnh hưởng do đợt lũ vừa qua.
Xin ông cho biết thiệt hại của lĩnh vực chăn nuôi trong đợt mưa lũ vừa qua như thế nào?
- Bão cũng như mưa lũ liên tục đặc biệt là miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc gây nhiều thiệt hại, sản xuất nông nghiệp đặc biệt chăn nuôi chịu thiệt hại về cơ sở vật chất chuồng trại, con giống, vật nuôi, môi trường, thức ăn. 2 vùng miền núi phía Bắc và miền Trung không phải địa phương có đàn vật nuôi lớn nên về mặt thực phẩm trên thị trường không ảnh hưởng nhiều, mà ảnh hưởng trực tiếp tại những vùng bị ngập lụt là việc vận chuyển, cung cấp các yếu tố đầu vào của ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn.
Dự báo sản lượng thịt không ảnh hưởng đến nguồn cung của cả nước, kể cả cho dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Trong điều kiện hiện nay, ngành chăn nuôi có khuyến cáo như thế nào đối với các địa phương trong việc xử lý hậu quả của đợt thiên tai vừa qua, thưa ông?
- Khi đã bị ngập lụt thì vấn đề vệ sinh môi trường là rất khó khăn. Ví dụ như Thanh Hóa với số lượng lợn chết như thế mặc dù được xử lý kịp thời nhưng môi trường chăn nuôi nói chung kể cả con người đều có ảnh hưởng rất lớn. Dịch bệnh sẵn sàng xảy ra và đe dọa đến ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi cần lưu ý, sau khi nước lũ rút khẩn trương vệ sinh phòng dịch.
Cần quan tâm tiến hành vệ sinh công nghiệp, sử dụng thuốc sát trùng để phòng bệnh. Chuẩn bị chuồng trại, trang thiết bị phục vụ khôi phục chăn nuôi. Chuẩn bị thức ăn cũng như con giống chất lượng. Về yếu tố này không đáng lo lắm bởi hiện nay khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như Đông Nam bộ là những vùng chăn nuôi lớn nên hoàn toàn đảm bảo nguồn giống cho những vùng bị thiên tai vừa qua. Giai đoạn này quan trọng nhất đầu tiên phải xây dựng lại chuồng trại, cơ sở vật chất nuôi không thể nuôi tạm bợ.
Nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến đàn giống, kể cả sức khỏe đàn vật nuôi cũng như dịch bệnh dễ xảy ra. Vì vậy, cơ sở vật chất phải được khôi phục. Đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm. Thức ăn gia cầm và gia súc thì không đáng ngại, nhưng đối với động vật ăn cỏ cần phải khôi phục thức ăn xanh cho đàn gia súc là rất cần thiết.
Ngành Chăn nuôi đã kiến nghị gì để hỗ trợ người dân về con giống các loại phục vụ tái đàn, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, thưa ông?
- Đối với hỗ trợ sau thiên tai dịch bệnh đã có Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh ban hành đầu năm nay. Trên cơ sở đó, đề nghị các hộ chăn nuôi cũng như trang trại cần thống kê và khẩn trương xác định số lượng thiệt hại để đề xuất với địa phương để có những hỗ trợ kịp thời.
Các cơ quan liên quan cũng cần phải xác minh sớm những thiệt hại và hỗ trợ kịp thời đối với những đối tượng thiệt hại. Có như vậy mới nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và giúp đời sống vùng dân vùng này được tốt hơn.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, giá lợn hơi trong tháng 9.2017 biến động giảm nhẹ tại các vùng chăn nuôi cả nƣớc. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai… giá lợn đã giảm từ 1.000 - 2.000 đ/kg xuống còn khoảng trên dưới 30.000 đ/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giảm khoảng 500 đ/kg, giá trung bình toàn miền chỉ dao động trong khoảng 29.000 – 32.000 đ/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 500 đ/kg ở Tiền Giang, giảm 1.000 đ/kg ở Long An và giảm 1.500 đ/kg ở Hậu Giang. Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh miền Nam nằm trong khoảng 28.500 – 30.500 đ/kg. Tại một số vùng chăn nuôi lớn của Đồng Nai, hiện giá lợn cũng đã giảm từ 1.000 – 2.000 đ/kg xuống còn khoảng trên dƣới 31.000 đ/kg, tùy thuộc vào chất lượng và quy mô nuôi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn