Tới cuối phiên, giá thịt heo hôm nay tại chợ Hóc Môn đã giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg heo mảnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Lâm cho biết, sáng ngày 3.10, đầu phiên chợ tại chợ thịt heo bán sỉ lớn nhất TP.HCM này, giá heo mảnh ở mức 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khác với lượng khách hàng đông đúc, nườm nượp thường ngày, số người đến lấy thịt heo đầu phiên chợ hôm nay vắng hẳn.
Thông thường, các phiên chợ đầu ngày tại đây luôn tấp nập, thương lái bán sỉ lấy hàng, pha lóc và phân phối lại cho quán ăn, nhà hàng và cung cấp cho các chợ lẻ.
Gần về sáng (khoảng 7 giờ), số người mua hàng chỉ còn thưa thớt nên các thương lái buộc phải hạ giá thịt heo mảnh, xuống chỉ còn 20.000 đồng/kg, với mục đích "đẩy" hàng đi càng nhanh càng tốt. Mức giá này đã gần bằng mức “đáy” hồi giữa năm khi cuộc khủng hoảng giá heo xảy ra trên cả nước (thời điểm khủng hoảng, giá heo mảnh có lúc xuống thấp nhất chỉ còn 15.000 đồng/kg - PV).
“Lượng heo về chợ đã không còn nhiều như bình thường, thương lái lường trước diễn biến, nên đã giảm số heo về chợ nhưng vẫn không bán được thịt”, ông Lâm than thở.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, tới sáng 3.10, các thương lái đã trở lại thu mua heo, đưa về TP.HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, giá heo hơi đã giảm mạnh, chỉ còn 27.000 – 28.000 đồng/kg, giảm 2.000 – 4.000 đồng/kg so với hồi tuần trước.
“Heo đẹp lắm cũng chỉ bán được giá 29.000 đồng/kg trong khi tuần trước giá tốt nhất cũng được 32.000 đồng/kg", ông Đoán so sánh.
Nguyên nhân giá heo hơi tụt giảm, theo ông Đoán, một phần do người tiêu dùng bị ảnh hưởng tâm lý sau vụ cơ quan chức năng phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á cuối tuần trước.
Hơn nữa, hồi đầu tháng 9, đã có thông tin dịch lở mồm long móng xuất hiện ở một số vùng, càng khiến người tiêu dùng lo ngại. Ông Đoán cho rằng, người chăn nuôi đang phải gánh chịu hậu quả của những việc mà không phải do họ gây ra.
“Việc tiêm thuốc an thần vào heo do cơ quan chức năng không kiểm soát được khâu giết mổ, còn dịch lở mồm long móng thú y cũng không kiểm soát được, không đủ vắc xin cho người chăn nuôi”, ông Đoán phân tích.
Giá heo hơi hôm nay 4.10 tại các trại cũng đã giảm còn 27.000 - 28.000 đồng/kg.
Dù giá heo hôm nay vẫn ở mức thấp, tuy nhiên, về tổng đàn có khả năng tổng đàn heo trong khu vực vẫn đang tăng cao chớ không giảm. Nguyên nhân là số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm đàn không đáng kể, trong khi đó, những trang trại lớn, có quy mô từ vài nghìn nái đẻ… vẫn tiếp tục tăng đàn.
Nghiêm trọng hơn, mới đây, khi UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định không cho phép người chăn nuôi trong tỉnh tăng đàn, các doanh nghiệp lớn đã lùng sục khắp nơi để mua lại chuồng trại và giấy phép của những hộ nuôi nhỏ, không cầm cự được… để họ tiếp tục đầu tư, hợp thức hóa việc tăng đàn.
“Vừa nghe trại nào có quy mô một chút, có cơ sở hạ tầng sẵn… nhưng không thể tiếp tục tái đầu tư là hôm sau có người đến hỏi mua ngay lập tức. Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát vấn đề này, tổng đàn thời gian tới sẽ tăng chứ không hề giảm”, ông Đoán nhận định.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng xác nhận, tổng đàn heo ở địa phương này tính đến nay đã vượt cả quy hoạch đến năm 2020. Tuy nhiên, việc quản lý tổng đàn là rất khó.
Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công Thương cho hay, ngành công thương thành phố cũng tiếp tục theo dõi diễn biến nguồn cung tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời nếu có biến động.Còn theo ngành công thương thành phố, cơ quan chức năng cũng đã tìm nguồn cung thay thế, đảm bảo bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt để cung cấp cho thị trường, các chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối và giữ giá ổn định. Cụ thể, Công ty VISSAN sẽ cung cấp 1.500 con lợn ra thị trường, Công ty Anh Hoàng Thy (Đồng Nai) cung cấp 700 con và 4 cơ sở khác cung cấp khoảng 1.300 con.
Tiêu hủy 3.750 con lợn bị bơm thuốc an thần Trao đổi với Dân Việt chiều 2.10, ông Bạch Đức Lữu - Giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 (Cục Thú y) xác nhận, việc giam giữ, nuôi nhốt số lượng heo lớn sau vụ phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á đã khiến phát sinh dấu hiệu dịch bệnh lở mồm long móng. Theo ông Lữu, trước khi về lò mổ, số lượng heo trên coi như “sạch bệnh”, vì đa số đã được “đeo vòng” truy xuất nguồn gốc và đã được kiểm dịch. Tuy nhiên, trong quá trình giam giữ tại lò mổ, virus gây bệnh đã phát sinh, phát triển mạnh thành các dấu hiệu dịch bệnh.
3.750 con heo bị giam giữ tại lò mổ Xuyên Á đã "dính" bệnh lở mồm long móng. Trong khi đó, ở lò mổ luôn có virus lưu hành, trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, nuôi nhốt chật chội thì chỉ cần 2 ngày lưu giữ ở đây heo sẽ có biểu hiện lâm sàng của bệnh, 3 ngày sẽ có biểu hiện bệnh điển hình. “Nếu đưa heo về giết mổ trong ngày thì không sao, nhưng lưu giữ lâu ngày heo sẽ bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, từ ngày phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần và lưu giữ đến nay đã 5 ngày, việc phát sinh bệnh là dễ hiểu”, ông Lữu nhận định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn