Cà phê vượt mốc 37.000 đồng/kg
Mở đầu cho phiên giao dịch hôm nay 16/10, cà phê nguyên liệu đã tăng thêm 500 đồng/kg lên mức 36.600 – 37.300 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang giữ ở mức 36.600 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà thấp đang có giá 36.500.
Cà phê đã vượt ngưỡng 37.000 đồng, lên mức 37.300 đồng/kg. Ảnh minh họa
Trong khi đó giá cà phê hôm nay tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk), Ea H'leo (ĐắkLắk) đang dao động trong khoảng 37.100 – 37.300 đồng/kg. Tại huyện Buôn Hồ giá cà phê ở mức 35.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại Kon Tum và Đắk Nông đang có giá 37.100 đồng/kg. Riêng tại Gia Lai hôm nay ở mức 36.300 đồng/kg.
Tương tự Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đang tăng.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London đang tăng, với giá hợp đồng giao tháng 9 tăng 25 USD (tăng 1,46%) đứng ở mức 1738 USD/tấn.
Trong khi tại New York, giá cà phê Arabica tăng 2,8 USD, mức tăng 2,4% đứng ở mức 119,35 cent/lb.
Thương mại cà phê tại thị trường Đông Nam Á cho biết nguồn cung cà phê Việt Nam còn không đáng kể do đã xuất khẩu mạnh ngay từ đầu năm. Trong khi nguồn cung cà phê Indonesia cũng đưa ra nhỏ giọt do giá tham chiếu quốc tế được cho là “quá thấp” làm nông dân thua lỗ, buộc họ phải yêu cầu mức chênh lệch cao mới có được hàng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan ngại thị trường sẽ tiêu cực trở lại khi Việt Nam vào thu hoạch vụ mùa mới hiện đang đối diện. Nông dân sẽ khởi đầu vụ thu hoạch mới ngay trong cuối tháng này ở một số vùng cà phê chín sớm.
Tiêu đi ngang và có thể sẽ giảm do nguồn cung thiếu hụt
Hôm nay 16/10, giá hồ tiêu khu vực Tây Nguyên và miền Nam hôm nay đi ngang nhưng vẫn có giá cao nhất 3 tháng qua, giao động ở mức từ 54.000 – 56.000 đồng/kg.
Tại Gia Lai hàng loạt trụ tiêu chết do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Ảnh IT
Trong đó giá tiêu tại Gia Lai hiện ở mức 53.500 đồng/kg. Tuy nhiên thời gian tới có thể giá tiêu tại đây sẽ ít nhiều biến đổi do ảnh hưởng của thời tiết mưa lớn suốt nhiều giờ khiến tiêu chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết: Toàn huyện có trên 350 ha hồ tiêu bị chết, có vườn chết trắng cả ngàn trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tiêu chết nhiều ở các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Dun, thị trấn Chư Sê… “Hiện chúng tôi đang đi kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích hồ tiêu chết để có hướng khắc phục”, ông Hợp nói.
“Hàng xóm” với Chư Sê là huyện Chư Pưh cũng thống kê được hơn 145 ha, cụ thể là 290.017 trụ bị chết (trong đó hơn 24 ha chết do bị úng nước, 120 ha bị bệnh chết). Tổng số 998 hộ bị thiệt hại do tiêu chết.
Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng một số địa phương khác như huyện Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai.. cũng đã có không ít vườn tiêu bị chết.
Anh Mai Văn Trung – làng Ia Đất (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) có hơn 1.000 trụ tiêu tính: Năm nay sẽ thu được khoảng 4 tấn tiêu khô, với giá tiêu hiện tại khoảng 53.000 đồng/kg, anh thu được hơn 200 triệu đồng để trả nợ.
“Mưa kéo dài hơn 3 tháng, giờ nắng lên, bộ rễ của cây bị thối và chết đồng loạt. Gia đình tôi đã phải vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để thuê đất, mua trụ, giống, phân bón và công chăm sóc. Hẹn ngân hàng sẽ trả sau 3 năm, giờ chuẩn bị thu hoạch lại thành trắng tay!”, anh Trung chua chát nói.
Trong khi đó tại các tỉnh thành khác giá tiêu vẫn ổn định trong nhiều ngày qua. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu tiêu hiện có giá 55.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Bình Phước giá tiêu vẫn đứng ở mức 53.000 đồng/kg, Đồng Nai có giá 52.000 đồng/kg.
Thị trường tiêu thế giới ước tính sẽ giảm sản lượng vào năm 2019. Ảnh: IT
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu đang ở chế độ điều chỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm và duy trì ở mức này cho đến khi nguồn cung mới từ Ấn Độ và Việt Nam được đưa vào thị trường, các thương nhân cho biết. Ngoài ra, sản lượng tiêu toàn cầu cũng được ước tính sẽ giảm vào năm 2019, theo Cộng đồng tiêu dùng quốc tế (IPC) với sản lượng tại Ấn Độ dự kiến giảm.
Ông Jojan Malayil, Giám đốc điều hành của công ty Bafna Enterprises có trụ sở tại Kochi nhận định, giá hồ tiêu đang ở chế độ điều chỉnh sau khi giảm xuống mức thấp 168 rupee/kg trên toàn cầu khi Việt Nam bán tiêu chất lượng ASTA ở mức 2.450 USD/tấn. ASTA là Hiệp hội thương mại gia vị Mỹ.
“Việt Nam đã bán gần 190.000 tấn hồ tiêu tính đến tháng 9 và vẫn còn tồn kho. Brazil đang bán hồ tiêu quanh mùa với các khu vực sản xuất mới xuất hiện ở phía nam. Giá tiêu ở mức tốt trong vài năm qua khiến nhiều người nông dân trồng tiêu tại Việt Nam, Brazil và các quốc gia khác. Campuchia hiện là một nhà sản xuất hồ tiêu lớn”, ông nói thêm.
Cộng đồng hồ tiêu quốc tế (IPC) có trụ sở tại Jakarta dự kiến tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt 494.200 tấn, giảm so với mức 523,400 tấn vào năm 2018.
Sản lượng hồ tiêu Ấn Độ dự kiến cũng sẽ giảm trong năm 2019 xuống còn 47.000 tấn từ gần 64.000 tấn vào năm 2018.
Tiêu thụ tại quốc gia này trong năm 2019 ước đạt khoảng 58.000 tấn với kim ngạch nhập khẩu 17.700 tấn và xuất khẩu dự kiến ở mức 17.000 tấn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn