Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch cà phê là hàng nghìn nhân công lại tập trung về các huyện có diện tích cà phê lớn như Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah… của tỉnh Gia Lai làm thuê, nhưng năm nay lại rất khan hiếm.
Ông Đào Văn Lục (48 tuổi, tại thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Nhà tôi có gần 3.000 cây cà phê, mọi năm có khoảng 20 người đến nhận hái, còn năm nay gọi mãi mới được 7-8 người. Đã vậy nhiều hôm trời mưa, họ lại bỏ về”. Trước tình hình đó, ông Lục và nhiều hộ khác đã đẩy giá thuê nhân công từ 60.000 đồng/100 kg lên đến gần 100.000 đồng song vẫn không thuê đủ người.
Dù đã tăng giá thuê nhân công nhưng vẫn chỉ lác đác 1-2 người đến hái
Việc khan hiếm nhân công thu hái còn khiến nhiều chủ vườn còn bất an vì trộm cắp. “Tôi đã huy động toàn bộ người nhà nhưng vẫn không hái kịp, vừa rồi bị mất trộm gần 1 tấn cà phê tươi. Không chỉ hái quả, bọn trộm còn làm tan nát cả vườn”, ông Lục cho biết. Cũng vì không có người hái, cà phê thì chín đồng loạt, bà Lê Thị Thu (ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cũng vừa bị mất trộm hơn 1 tấn quả. “Mấy ngày nay tôi đang chạy ngược chạy xuôi mà vẫn chưa thuê được người, nhìn hàng chục cây cà phê bị trộm mà xót”, bà Lê Thị Thu lo lắng nói.
Nhiều vườn cà phê đã chín đỏ nhưng vẫn chưa thể hái vì thiếu nhân công
Nhẩm tính với chúng tôi, bà Trần Thị Minh (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Trung bình mỗi ha cà phê cần 6 -7 nhân công thu hái, nhà tôi có 5 ha cà phê, cần có ít nhất 30 người thu hái mới kịp. Giờ cà phê chín đỏ cây nhưng mới thuê được vài người. Tôi lo nhất là không thu hái kịp, năm sau sẽ giảm năng suất”. Là người may mắn hơn, ông Vũ Văn Môn (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) thuê được đủ số người thu hoạch 3ha cà phê, nhưng hái được vài ngày gặp mưa kéo dài nên họ bỏ về hết. “Vừa sốt ruột vì cà phê chín trên cây, lại loay hoay phơi sấy cả chục tấn quả tươi, khổ với thời tiết”, ông Môn mệt nói.
Nhiều nhà vườn đang tất bật thu hái để không bị ảnh hưởng đến năng suất vụ sau
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, do khan hiếm nên giá thuê nhân công bị đẩy lên, hình thành một đội ngũ “cò” lao động đòi chi phí môi giới cao, làm khó người trồng cà phê. Mặt khác, việc khoán sản phẩm với giá cao cũng khiến đội ngũ nhân công thừa cơ hái nhanh, hái ẩu làm cho cà phê gãy cành, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Ngoài ra, để tranh thủ nhân công và thời tiết, nhiều chủ vườn còn cho tuốt luôn quả xanh non, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn