Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Sau thời gian dài giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, làm các hộ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp lỗ nặng, thì mới đây giá tôm tăng trở lại, tạo không khí phấn khởi cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo các chủ hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu, khoảng một tuần nay, giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại, trung bình tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy theo loại.
Cụ thể, tôm sú loại 20 con có giá từ 195.000-200.000 đồng/kg, loại 25 con giá từ 175.000-180.000 đồng/kg, loại 30 con giá từ 120.000-125.000 đồng/kg, tôm thẻ giá 105.000-110.000 đồng/kg, tôm đất 70.000 đồng/kg...
Tuy giá tăng chưa bằng lúc đỉnh điểm nhưng với xu hướng này, người nuôi tôm đã bắt đầu tháo bỏ được tâm lý chán nản, tái đầu tư, an tâm sản xuất trở lại.
Giải thích về việc giá tôm tăng trở lại, theo các đại lý kinh doanh, thu mua tôm ở Bạc Liêu, nguồn tôm nguyên liệu đang hút hàng, nguồn cung thiếu trong khi cầu tăng, dẫn đến tăng giá. Hơn nữa, gần đây các nhà máy, xí nghiệp chế biến tôm ký kết được hợp đồng mua bán mới, lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài tăng, trong khi đó Bạc Liêu đang vào cuối vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, diện tích nuôi tôm quảng canh thì đang vào mùa cải tạo ao đầm, nên nguồn tôm nguyên liệu giảm mạnh.
Để có đủ nguyên liệu chế biến, hạn chế gián đoạn sản xuất, các nhà máy chế biến thủy sản ở Bạc Liêu đã mở rộng địa bàn thu mua tôm nguyên liệu ngoài tỉnh.
Địa phương cũng khuyến khích tối đa đội ngũ ghe tàu đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển, nhưng sản lượng mang lại không lớn do giá xăng tăng cao, đẩy các chi phí dịch vụ khác tăng theo, nên ngư dân ngại ra khơi đánh bắt.
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 125.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 15.000ha. Do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, dịch bệnh, đã làm hơn 13.000ha tôm nuôi cả công nghiệp, bán công nghiệp bị thiệt hại khoảng 8.000ha. Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp thiệt hại 100% năng suất, tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến từ 30-50% năng suất.
Đáng lo ngại là ở chỗ, mặc dù tôm chết trên diện rộng nhưng đến nay, Bạc Liêu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, làm người nuôi tôm e ngại chưa dám đầu tư tái sản xuất.
Nhằm tạo điều kiện cho người nuôi tôm trụ vững với nghề, Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia mua bảo hiểm tôm nuôi theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xem xét cho gia hạn, giãn nợ ngân hàng đối với hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm đến tận hộ dân; tiếp tục theo dõi, tìm ra nguyên nhân dịch bệnh và có giải pháp phòng, điều trị bệnh trên tôm.
Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy mở rộng tìm kiếm đối tác làm ăn, giữ ổn định giá tôm trên thị trường để người nuôi tôm yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống./.
Theo Nông nghiệp Việt Nam