Theo tổ chức Lương nông LHQ, giá thịt lợn "đã bắt đầu tăng vọt", cán mốc 50% cả ở trên hai sàn giao dịch hàng hóa thông thường là Trung Quốc và Chicago- nơi hợp đồng mua bán đã được ký kết và được giao hàng trong tương lai theo nguyên tắc không được hủy hợp đồng.
Khoảng 200 triệu đầu lợn tại Trung Quốc đã bị tiêu hủy vì dịch bệnh |
Còn tại châu Âu, hàng tin AFP dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa Cyclope cho hay, giá thịt cũng đã tăng thêm 18% kể từ đầu tháng 3 khi Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia nhập khẩu lớn đã bắt đầu các hoạt động dự trữ thịt trong kho lạnh đề phòng trường hợp gián đoạn nguồn cung.
Riêng ở Pháp và Đức, theo ông Jean-Paul Simier (chuyên gia phân tích thị trường nông sản tại ngân hàng Credit Agricole, đồng tác giả của báo cáo thường niên mới nhất của Cyclope), giá thịt lợn còn tăng tới 30% kể từ hồi đầu năm nay do những tác động, ảnh hưởng từ Trung Quốc, nơi chiếm tới phân nửa tổng đàn lợn thế giới.
Mặc dù virus ASF không gây nguy hiểm cho con người nhưng kể từ khi dịch bùng phát khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc vào năm ngoái thì virus này lại gây tử vong cao đối với lợn nuôi và cả lợn rừng.
Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành chiến dịch tiêu hủy lợn dịch quy mô lớn trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lan. Tuy nhiên đến nay dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và đang tiếp tục đe dọa những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn của nước này như vựa lợn trọng điểm Tứ Xuyên.
Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự báo sẽ giảm 20% trong năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua |
Theo nghiên cứu của Cyclope, từ đầu năm đến nay đã có 20 địa phương của Trung Quốc bị dịch ASF tấn công, buộc các nhà chức trách phải tiêu hủy hàng triệu con lợn, đồng thời tạm thời loại bỏ chúng khỏi chuỗi thức ăn. Theo bản đồ dịch bệnh của FAO, hiện dịch ASF đã lan rộng tới biên giới Lào, phía nam Trung Quốc và lây tới đảo Hải Nam.
Campuchia, Mông Cổ và Việt Nam cũng đang phải hứng chịu tổn thất lớn từ dịch bệnh ASF, buộc các nước này cũng phải tiêu hủy số lượng lợn bệnh khá lớn. Ông Jean-Paul Simier cho biết, việc tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thịt lợn để bù đắp cho sản lượng bị mất.
"Trung Quốc là thị trường quyết định cho ngành hàng thịt lợn thế giới. Bạn cần hiểu rằng tổng đàn lợn của Trung Quốc có lúc lên tới 700 triệu con, trong khi ở Pháp chỉ có 20 triệu con mà thôi", ông Simier cho hay.
Lượng tiêu thụ các loại thịt trong năm ngoái và dự báo trong năm nay ở Trung Quốc |
FAO cho biết, trong báo cáo mới nhất về thị trường thực phẩm công bố hồi đầu tháng 5 vừa qua cho thấy, sự nguy hiểm của dịch bệnh ASF ở khu vực Đông Á có thể sẽ dẫn tới những tác động rõ rệt tới thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu. Nó cũng cảnh báo về "những thách thức trong việc duy trì nguồn cung cấp thịt đầy đủ ở các nước bị ảnh hưởng".
Đánh giá này là hoàn toàn có cơ sở bởi nó dựa trên các báo cáo từ các chính phủ, các bản tin trong ngành và các phương tiện truyền thông và đi đến thống nhất rằng, mức độ và quy mô tiêu hủy lợn ở Trung Quốc có thể đã đạt tới 20% tổng đàn.
Ông Simier cũng đưa ra dự báo thận trọng về sản lượng thịt lợn Trung Quốc sẽ giảm 10% trong năm nay, tương đương gần 6 triệu tấn. "Đây đã là con số rất lớn, bởi vì thị phần giao dịch thịt lợn thế giới cũng chỉ vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm mà thôi. Nếu tình hình dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, thịt lợn có thể sẽ leo tới mức chưa từng thấy trước đây", vị chuyên gia này nhận định.
Biểu đồ tiêu thụ thịt lợn trên đầu người tại một số quốc gia năm 2017 (Nguồn OECD) |
Mặc dù đây là tin xấu đối với người tiêu dùng nhưng lại là cơ hội kinh doanh tốt cho những người nuôi lợn ở những vùng chưa có dịch bệnh. Tuy nhiên, những nông dân trồng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là đậu nành có thể bị tổn thương do nhu cầu từ Trung Quốc giảm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn