Người dân xã Ðắk N'Drung (Ðắk Song, tỉnh Đắk Nông) chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Báo Đắk Nông
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, quý 3 là thời điểm giao dịch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thường có chiều giảm hơn so với quý 2. Theo đó, giá tiêu trong nước cũng giảm dần. Nếu như tháng 7, giá trung bình đạt khoảng 85.000 đồng/kg tiêu đen đầu giá loại 500g/l, tháng 8 tăng lên trên dưới 90.000 đồng/kg thì đến tháng 9, giá tiêu chủ yếu giao động ở mức 82.000-87.000 đồng/kg.
Đáng nói là nhiều nơi, giá tiêu hôm nay chỉ giao dịch ở mức 80.000 đồng/kg như Gia Lai, Đồng Nai; giá tiêu tại một số tỉnh đạt 81.000 đồng/kg như Đắk Lắk, Đắk Nông. Duy chỉ có tại huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là duy trì ở mức 83.000 đồng/kg. Giá tiêu vẫn trong xu hướng thấp dù nông dân vẫn đang có xu hướng cất trữ vì cho rằng năm tới sẽ mất mùa, chờ giá cao mới đẩy hàng ra.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ 1.1 - 31.8.2017, Việt Nam xuất khẩu được 167.496 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 149.053 tấn tiêu đen và 18.443 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 901,39 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 763,27 triệu USD, tiêu trắng đạt 138,12 triệu USD. So cùng kỳ năm 2016, lượng xuất khẩu tăng 22,28% tương đương 30.523 tấn, tuy nhiên giá trị xuất khẩu lại giảm 19,06% tương đương giảm 212,29 triệu USD.
Giá tiêu hôm nay nhiều nơi giao dịch trong khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 8 tháng 2017 đạt 5.121 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.489 USD/tấn. Đáng chú ý là so với cùng kỳ 8 tháng năm 2016, giá xuất khẩu tiêu đen đã giảm 2.610 USD/tấn, tiêu trắng giảm tới 3.851 USD/tấn. Như vậy giá trị tiêu đen trung bình 8 tháng 2017 tương ứng chỉ bằng 57% và 65% so với cùng kỳ 2015 và 2016 .
Với tiêu trắng, giá trung bình 8 tháng năm 2017 chỉ bằng giá tiêu đen của năm 2016 là điều chưa từng xảy ra, theo đó giá trung bình tương ứng chỉ bằng 60,9% và 68% so với cùng kỳ năm 2015 và 2016.
Chưa bao giờ có thời điểm giá tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam lại sụt giảm mạnh ngang ngửa với giá tiêu đen như năm nay. Ảnh minh hoạ
Theo bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA, xuất khẩu hồ tiêu 8 tháng của nước ta đạt cao nhất từ trước tới nay về sản lượng, tuy nhiên giá trị không còn được như cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm và giữ vững thị trường bởi tình trạng giá thấp và biến động không ngừng đã khiến tình trạng xù hàng, không thanh toán hợp đồng xảy ra liên tục với các doanh nghiệp thời gian qua.
Đó là chưa kể sức ép cạnh tranh ghê gớm với hồ tiêu của các nước sản xuất khác như Indonesia, Brazil... Hồ tiêu các nước này chất lượng tốt hơn, lại được chào giá hấp dẫn hơn trong khi hàng loạt rào càn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu lại đang ngày một nâng lên. Một số thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam như Hoa Kì, Ấn Độ... đang có dấu hiệu chững lại vì cạnh tranh và vì chính sách bảo hộ.
Mặc dù Hoa Kì vẫn là thị trường dẫn đầu nhập khẩu 8 tháng với 28.645 tấn, chiếm 17,1% nhưng so với cùng kỳ đã giảm 3.429 tấn. Một số thị trường lớn khác cũng có lượng nhập khẩu giảm như Philippines giảm 3.100 tấn, Tây Ban Nha giảm 1.719 tấn, Indonesia giảm 1.077 tấn.
Tuy nhiên, xét về thị phần các châu lục, chỉ có châu Mỹ giảm, thị trường châu Á, châu Phi và châu Âu đều tăng. Đặc biệt châu Á tăng tới 26.682 tấn, lượng tăng chủ yếu do Papua New Guinea nhập tới 10.947 tấn trong 8 tháng, Sri Lanka tăng 3.166 tấn, Iran tăng 2.577 tấn, Ấn Độ tăng 2.388 tấn, Trung Quốc tăng 2.044 tấn, Ả Rập tăng 1.288 tấn, Myanmar tăng 1.187 tấn. Châu Phi tăng 5.577 tấn, trong đó Ai Cập tăng 2.053 tấn và Senegal tăng 1.577 tấn so cùng kỳ năm 2016.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn