Đổi đời nhờ trồng rừng
Năm 2006, nhờ Dự án trồng rừng WB3 (Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Phát triển ngành Lâm nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác, các nhà tài trợ) tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (Vân Canh - Bình Định), nơi sinh sống của đồng bào Ba Na, đã mở ra cho dân làng hướng làm ăn mới.
Ông Đinh Văn Dũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi của làng Hà Văn Trên. Ông Dũng kể: Từ năm 2006-2012, làng phát triển phong trào trồng rừng nguyên liệu giấy. Dự án WB3 hỗ trợ cho dân làng được vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật từ công đoạn phát thực bì đến trồng và chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc rừng keo, người dân làng Hà Văn Trên còn được Nhà nước hỗ trợ phân bón.
Từ khi phát triển nghề trồng rừng, cuộc sống của dân làng thay đổi hẳn. 99 hộ dân ở đây hộ nào cũng có rừng trồng nên ai cũng khấm khá hẳn lên. Hiện nay, trong làng có 99 căn nhà thì chỉ còn duy nhất 1 căn còn lợp lá, 98 căn nhà còn lại là nhà ngói khang trang, được trang bị đầy đủ tiện nghi, xe máy, có nhiều căn nhà được xây dựng rất đẹp. Điểm đặc biệt của làng là, dù có điều kiện làm nhà xây, nhưng các hộ dân vẫn giữ lại căn nhà sàn truyền thống ở bên cạnh. Tuy là dân vùng sâu, nhưng trong làng có đến 30 người đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Các cháu mầm non và bậc tiểu học cũng được ngồi học trong những ngôi trường kiên cố.
Dẫn đầu phong trào trồng rừng sản xuất ở làng Hà Văn Trên là các ông Đoàn Văn Phước, Đoàn Văn Lai, mỗi người có đến 7 -8ha rừng keo. Riêng gia đình ông Dũng có 4ha vừa khai thác xong, trừ chi phí, thu lãi 260 triệu đồng. Từ khoản thu từ rừng trồng, ông Dũng dành dụm tiền mua thêm những cánh rừng phân tán trồng keo, trồng mì (sắn).
Hiện, trên địa bàn huyện Vân Canh có đến 4 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu và 2 nhà máy bao bì, tiêu thụ gỗ rừng trồng rất mạnh nên bà con trồng rừng ở làng không lo về đầu ra.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC
Tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, những mảng rừng xanh rì phủ kín các triền núi, chạy dài bên dòng sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua Hương Sơn (Hà Tĩnh). Khu vực trồng rừng FSC (Chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) là rừng keo khoảng 3-5 năm tuổi, thảm thực bì không bị phát dọn sạch sẽ như trước mà giữ lại một số loại cây để chống xói mòn đất.
Bằng giờ này những năm trước, người dân đã chặt “trắng” và bán gỗ dăm, gỗ vụn cho thương lái với giá chưa đến 1 triệu đồng/tấn. Còn nay, họ giữ cây đến 7 năm tuổi trở lên, tăng đường kính thân gỗ rồi đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ và bán nguyên khối. Các khu rừng sẽ được khai thác luân phiên để đảm bảo diện tích rừng đúng theo hướng dẫn.
Ông Nguyễn Sĩ Hùng thuộc nhóm hộ trồng rừng thôn Trung Lưu là một trong những nông dân đầu tiên của Hương Sơn theo tiêu chuẩn FSC. Theo ông Hùng, qua việc tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và tập huấn kỹ thuật, chuyển biến tích cực nhất là các hộ dân đã nhận biết phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Với 7ha rừng trồng keo của gia đình, ông Hùng cho biết, năng suất dự kiến khoảng 180-200 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước.
Mô hình nhóm hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đầu tiên của Hà Tĩnh được thực hiện tại hai xã Sơn Tây và Sơn Lĩnh, thuộc huyện Hương Sơn.
Hương Sơn có hình đất dốc cùng với cách khai thác “trắng” rừng truyền thống nên đất bị thoái hóa, xói mòn, hằng năm thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở nguy hiểm. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã mở ra hướng đi mới cho huyện, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, phòng chống xói lở và đặc biệt đem lại hiệu quả kinh tế tốt nên được người dân hưởng ứng. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương trồng rừng gỗ lớn mà huyện theo đuổi nhiều năm nay.
Dù đang trong quá trình chuyên gia quốc tế đánh giá để cấp chứng chỉ FSC nhưng đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề mua sản phẩm gỗ. Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX Tây Kim, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chứng chỉ rừng Hương Sơn cho biết, Ban đã kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra, đồng thời cam kết với người dân sẽ đảm bảo giá thành tăng tối thiểu 10-15%.
Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, Công Đa là xã nằm trong điện đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, nhờ đó, đời sống của người trồng rừng nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Phó chủ tịch UBND xã Công Đa Ma Văn Duệ cho biết, xã hiện có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với tổng diện tích 448ha thuộc địa bàn 11 thôn. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp 124 hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Nhu, thôn Đồng Giang, xã Công Đa chia sẻ, để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí như không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phải bảo vệ các loại động vật hoang dã; không được đốt thực bì; phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Gia đình ông hiện có trên 30ha rừng; trong đó, 10ha đã được cấp chứng chỉ FSC.
Đến nay, Tuyên Quang đã có 19.787,27ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Phong trào trồng rừng phát triển kinh tế ở các địa phương chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức và phương pháp kinh doanh rừng FSC để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, các hộ trồng rừng đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Ông Cao Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam, cho rằng, cấp chứng chỉ rừng FSC là một nhu cầu, xu hướng phát triển tất yếu. Gỗ Việt Nam muốn có thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế không còn cách nào khác là phải được cấp chứng chỉ FSC.
“Năng suất rừng trồng của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 10-15m3/ha/năm, trong khi các nước trong khu vực là 20-25m3/ha/năm. Chúng tôi muốn hỗ trợ người trồng rừng để cấp chứng chỉ nhưng vẫn còn những rào cản nhất định về đất đai. Vì thế, trong quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, chúng tôi mong muốn các nhà hoạch định chính sách sẽ đặc biệt lưu ý vấn đề này”, ông Thanh chia sẻ.
Tăng cường liên kết
Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sống dựa vào rừng, rất cần có sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với người trồng rừng, tổ chức của nông dân làm rừng, sự hỗ trợ của các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự hợp tác đa ngành của các bên liên quan khác và cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo hiện nay. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có các đề án gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân sống gần rừng.
Trưởng ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Vũ Xuân Thôn nhấn mạnh: “Năm 2018 là năm thành công rực rỡ của ngành lâm nghiệp, cả về chỉ tiêu trồng rừng và xuất khẩu gỗ, lâm sản.
Trên cơ sở thành công đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển rừng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn doanh nghiệp với chủ rừng, người trồng rừng nhằm gia tăng giá trị của rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Các dự án phải tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình thí điểm, trên cơ sở đó rút ra quy trình, chính sách nâng cao thu nhập từ rừng, để rừng thực sự là rừng vàng”.