Điều tra hộ nghèo, cận nghèo sẽ là căn cứ để Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Nhiều hộ tái nghèo
Những năm qua, nhờ huy động tốt các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn nên chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Hà Tĩnh đã đạt được những thành quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 23,91% đầu năm 2011 xuống còn 5,82% cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm trên 3%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 16,53% đầu năm 2011 xuống còn 8,89% vào cuối năm 2015.
Tuy vậy, bước sang giai đoạn 2016-2020, với cách tiếp cận các tiêu chí nghèo đa chiều đã có nhiều thay đổi. Về tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng, cao hơn mức quy định cũ...
Cách tiếp cận này sẽ làm cho số hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi theo chiều hướng tăng. Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của các huyện, thị xã, thành phố, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 11,2% (tăng trên 5% so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015). Và như vậy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo nay lại tái nghèo do không đáp ứng tiêu chí thu nhập theo quy định mới!
Mô hình nuôi bồ câu Pháp cho hiệu quả cao tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện Kỳ Anh. |
Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên
Theo kết quả điều tra, trong số 41.248 hộ nghèo và 30.622 hộ cận nghèo thì có tới trên 92% nằm trong diện nghèo về thu nhập, chỉ có trên 7% thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, kết quả điều tra đã phản ánh đúng thực tế. Bởi nâng cao việc tiếp cận các dịch vụ xã hội đã được Hà Tĩnh triển khai trong thời gian qua, đạt được nhiều kết quả to lớn. Chẳng hạn như các chương trình nhà đại đoàn kết, mái ấm công đoàn, nhà công vụ, cấp phát các phương tiện nghe, nhìn, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường...
Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt nhất chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn... đều được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố thông qua nguồn vốn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình. Chính vì vậy, đối với Hà Tĩnh, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là cái gốc trong công tác giảm nghèo.
Được biết, một trong những định hướng lớn, mới của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại.
“Muốn làm được như vậy, quan trọng nhất là sớm rà soát, đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, tham gia các tổ chức sản xuất như: HTX, tổ hợp tác và chuỗi SXKD, tiêu thụ để thoát nghèo” - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông cho biết thêm.
Theo Phúc Quang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn