Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, Chiêm Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khơi dậy ý thức tự lực để người dân vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo tại xã Hùng Mỹ.
Tạo chuyển biến ý thức giảm nghèo cho người dân
Nhằm phát huy tinh thần tự giác vươn lên, coi đây là hướng đi chính để các hộ vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả, UBND huyện Chiêm Hóa đã chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó giúp nhân dân hiểu rõ hơn về các tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của nhân dân Chiêm Hóa trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đồng thời khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ cơ sở và người dân, huyện đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình giảm nghèo và được phát sóng trên sóng FM, trên các kênh truyền hình địa phương, phục vụ hàng nghìn khán thính giả. Các xã, thị trấn lồng ghép công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương. Nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, những mô hình kinh tế hiệu quả được người dân biết đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tác động, làm chuyển biến tư tưởng của các hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời động viên, khích lệ người nghèo tự vươn lên. Việc tập trung tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tuyên truyền đồng loạt bằng nhiều hình thức khác nhau đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc khơi dậy ý chí, sự tự lực của người dân trong phát triển kinh tế.
Hỗ trợ công cụ để người dân thực hiện giảm nghèo
Thực tế cho thấy ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tư tưởng muốn làm hộ nghèo khá phổ biến. Nhiều hộ dân “thích” được làm hộ nghèo, muốn “phấn đấu” trở thành hộ nghèo, muốn “vào” nhưng không muốn “ra”. Đây là tâm lý thể hiện sự trông chờ, ỷ lại của người dân vào chính sách, vào sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước. Bởi vì khi trở thành hộ nghèo, bà con không cần lao động vẫn có tiền trợ cấp hàng tháng. Để khắc phục tình trạng trên, Chiêm Hóa chủ trương hỗ trợ công cụ, phương tiện để người dân trực tiếp sử dụng vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với nguồn kinh phí 14.315,93 triệu đồng, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 4.804 lượt hộ trong việc cung cấp các giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao như cây chè, cây hồng không hạt, cây bưởi; mua sắm các trang thiết bị, móc móc, nông cụ sản xuất (máy cày, máy xới đất, máy cắt cỏ...), các giống vật nuôi (trâu cái sinh sản, giống lợn nuôi lấy thịt). Ngoài ra, huyện còn định hướng sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân thông qua việc xây dựng các mô hình giảm nghèo và nhân rộng trong nhân dân, giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng đất ruộng, đất màu đồi để phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày; quy hoạch và hình thành một số vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường như: vùng lạc, đậu tương, mía nguyên liệu và cây ăn quả...Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi. Mở các lớp đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng, phương pháp kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm mới cho bà con nông dân, trong đó có các học viên là người nghèo, cận nghèo. Khắc phục nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp, huyện đã tuyên truyền, định hướng để bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của huyện, đặc thù của địa bàn và nhu cầu của các hộ dân.
Hiệu quả từ các mô hình kinh tế
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường trong nhân dân, nhiều cá nhân, hộ dân đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình là người dân tộc thiểu số. Họ thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương vốn còn nhiều khó khăn. Tiêu biểu là mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ tạp hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của gia đình ông Ma Văn Lò, thôn Lăng Pục; mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn (trên 100 con) của gia đình ông Ma Văn Duy, thôn Lăng Pục (xã Tri Phú); mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm kết hợp trồng rừng, kinh doanh hàng tạp hóa, thức ăn gia súc và trồng các loại cây ăn quả của gia đình chị Trương Thị Luyên, thôn Đèo Lang, xã Kim Bình. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều mô hình kinh tế khác đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân trong huyện như mô hình trồng chuối tiêu hồng xã Tri Phú, Linh Phú; mô hình nuôi trâu, bò nhốt truồng vỗ béo ở xã Hùng Mỹ; nuôi cá lồng ở thị trấn Vĩnh Lộc, Yên Nguyên; trồng nhãn, mía ở Vinh Quang; nuôi gà thịt xã Tân Mỹ, lợn thịt xã Tân An; mô hình trồng cây dược liệu xã Hùng Mỹ...
Với các giải pháp giảm nghèo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, phát huy được sự tự giác, tự lực vươn lên của người dân, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Chiêm Hóa liên tục giảm, từ năm 2016 đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,21% xuống còn 21,13 % (giảm 15,08%). Kinh tế - xã hội có sự chuyển biến rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng lên. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo PV/ TuyenQuang.gov.vn