Báo NTNN xin trích đăng một số ý kiến liên quan đến vấn đề này, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Chị Hồ Thị Còn - (bản Bên Đường (dân tộc Vân Kiều, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình). Muốn được giao đất, thay vì gạo cứu trợ
“Cộng đồng dân tộc Vân Kiều chúng tôi ở xã Trường Sơn có hơn 500 hộ và hơn 2.500 người (chiếm hơn 50% dân số của xã), từ xưa đến nay sống trên rừng, làm nương rẫy để sống. Từ năm 1997, Nhà nước bắt đầu đóng cửa rừng, chúng tôi không được đốt rẫy nữa.
Hầu hết chúng tôi là hộ nghèo. Nhiều gia đình chúng tôi đi từ nhà ra ngõ khoảng 50-100m là đã chạm đất lâm trường. Gia đình tôi có 400m2 đất ở nhưng chưa có “thẻ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đất cấp theo Quyết định 134 cũng chưa có “thẻ đỏ”.
Về chính sách đất đai hiện nay, tôi thấy bất cập ở chỗ: Dân chúng tôi sống trên đất rừng từ xưa. Đất rừng rộng mênh mông, nhưng lâm trường quản lý tới hơn 95% diện tích đất rừng trên địa bàn. Chúng tôi thiếu đất sản xuất, nghèo mãi, và phải nhận gạo cứu trợ. Nhưng dân không cần giúp gạo, mà cần Nhà nước tạo điều kiện có đất để tự làm ra cái ăn. Cây thì dân cũng trồng, lâm trường cũng trồng. Vì sao chỉ lâm trường được trồng cây mà dân không được trồng? Như thế là không công bằng!
Qua đợt tham vấn người dân để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa rồi, người dân địa phương cũng như bản thân tôi đề nghị một số điểm như sau: Chúng tôi muốn Nhà nước thu hồi một phần đất từ các lâm trường, giao cho người dân để sản xuất; Giao rừng cho dân khoanh nuôi, bảo vệ; Cùng với giao đất, giao rừng, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện làm ăn, ổn định lâu dài; Khi giao đất, giao rừng cần phải cấp luôn “thẻ đỏ” để người dân có cơ sở khẳng định địa giới, và có trách nhiệm gìn giữ. Xin hãy tin vào người dân chúng tôi”.
Thạc sĩ Ngô Văn Hồng - - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển Quảng Bình (CIRD): Nên cho phép giao rừng tự nhiên đến dân
“Nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chúng tôi thấy nổi lên rất nhiều vấn đề. Trong đó, tại các điều 130, 131, 132 có nói đến việc giao rừng tự nhiên có chức năng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng trồng cho người dân. Tôi thấy nội dung không giao rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng sản xuất cho người dân, mà chỉ giao cho tổ chức... là bất hợp lý.
Qua nghiên cứu của chúng tôi, trong 20 năm qua, người dân nhiều nơi hoàn toàn có thể chăm sóc, bảo vệ tốt những cánh rừng tự nhiên từ rừng biên giới đến đồng bằng, mặc dù sự hưởng lợi của bà con trên rừng tự nhiên rất thấp.
Ví dụ tại Quảng Bình, như cộng đồng thôn Yên Phong (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa) đã bảo vệ rừng tốt từ hàng trăm năm nay. Hoặc như ở vùng đồng bào người Mông ở Si Ma Cai (Lào Cai), nơi Trung tâm đang nghiên cứu, họ cũng bảo vệ rừng rất tốt.
Ở một số nơi khác như Đăk Nông, người dân sở tại được chia sẻ cơ hội khai thác gỗ thương mại (hợp pháp) trong rừng tự nhiên, như vậy rất bền vững. Trong khi đó, không ít tổ chức lâm trường quốc doanh khai thác, chiếm giữ nhiều đất rừng nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp.
Chúng tôi kiến nghị sửa đổi dự thảo luật theo hướng cho phép giao rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng sản xuất cho nhân dân sở tại, chứ không chỉ giới hạn giao cho tổ chức như dự thảo luật”.
Ông Hoàng Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Những ý kiến hữu ích cho Quốc hội
“Các ý kiến được thu thập từ các cuộc tham vấn người dân ở cơ sở (về sửa đổi chính sách đất đai ở Quảng Bình - PV) rất hữu ích. Các ý kiến này phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân. Điều đó sẽ giúp cho Quốc hội có thêm thông tin trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cũng như đem lại thêm căn cứ cho các cơ quan chức năng để tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi luật”.
Ông Hoàng Mạnh Quân - (Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường ĐH Nông Lâm Huế): Để người dân tham gia vào tiến trình giao đất, giao rừng
“Vấn đề bức xúc nhất liên quan đến đất lâm nghiệp hiện nay là thiếu đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung. Một trong những nguyên nhân được nêu ra trong hội thảo mà chúng tôi vừa thực hiện, đó là các công ty, các nông lâm trường chiếm quá nhiều đất.
Trong khi đó, nguồn lực của họ hạn chế về nhiều mặt, nhiều lâm trường hoạt động không hiệu quả. Người dân thiếu đất sản xuất, nên đã bị người dân lấn chiếm ở một số vùng, dẫn đến xung đột rất gay gắt. Xung đột về đất đai là những xung đột nóng bỏng nhất hiện nay.
Một trong những giải pháp chúng tôi đề xuất là phải rà soát lại đất của các nông lâm trường đang quản lý, nhất là ở những nơi lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao lại cho người dân, tất nhiên, khi giao lại cho dân, thì phải giao những loại đất phù hợp. Bởi ở một số nơi đã xảy ra tình trạng nông lâm trường trả lại những đất quá xa khu dân cư, quá xấu hoặc quá dốc, rất khó khăn cho người dân trong việc canh tác và bảo vệ.
Thứ hai, sau khi đã lấy lại được đất từ nông lâm trường, phải thực hiện tiến trình giao đất, giao rừng có sự tham gia của người dân. Tiến trình giao hiện nay nhiều công đoạn chưa thực sự đảm bảo cho sự tham gia của người dân.
Chẳng hạn, việc đánh giá trữ lượng rừng trước khi giao cho dân, người dân cần được tham gia để biết và sau khi giao, họ sẽ làm giàu trữ lượng rừng được bao nhiêu, từ đó tính ra họ được hưởng lợi bao nhiêu từ việc làm giàu thêm đó. Tất nhiên, việc đánh giá trữ lượng cũng cần phải mời chuyên gia tư vấn, nhưng cũng nên có cơ chế để người dân tham gia vào việc này.
Một giải pháp khác mà chúng tôi đề nghị là các địa phương cần dành ra một khoản kinh phí đủ để giao đất giao rừng hiệu quả. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm tốt vấn đề này, nhưng nhiều tỉnh khác vẫn chưa quan tâm dành nguồn kinh phí này, cộng thêm sự không thống nhất và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng ban, nên việc giao đất, giao rừng thường rất chậm trễ.
Theo Danviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn