Chiều nay 18/9, diễn ra Hội nghị tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp 2017 do Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức. Chương trình có sự tham dự của 500 đại biểu từ các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, 300 hội viên nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc. Hội nghị cũng đã trao quà cho 3 mô hình khởi nghiệp thành công, 10 mô hình khởi nghiệp xuất sắc và 10 mô hình khuyến khích.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, cho rằng: Nông nghiệp có nhiều thành tựu to lớn, nhưng vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn bởi biến đối khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm mỗi trường; đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng; vật tư đầu vào kém chất lượng; “được mùa mất giá” gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.
Theo ông Lại Xuân Môn, nông dân khởi nghiệp thành công, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cuộc sống giàu có hơn, cần hỗ trợ họ thay đổi nhận thức, nâng cao trí tuệ, để thay đổi sản xuất, trở thành nông dân chuyên nghiệp. Từ đó nông dân tập trung chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang làm lớn; từ đơn lẻ sang sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển từ sản xuất truyền thống sang áp dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất cao, chất lượng; thay đổi tư duy coi trọng về số lượng nông sản chuyển sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao.
Tại tọa đàm, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhận định: Hiện nay nông nghiệp còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thậm chí, thời gian vừa qua còn nổi lên khái niệm “nền nông nghiệp giải cứu” như giải cứu dưa hấu, thanh long, thịt lợn… khi giá các mặt hàng này rớt giá thê thảm.
Theo ông Thiên, khởi nghiệp của nông dân thường gắn với một sản phẩm nông sản, rất cần phải có vai trò của khoa học công nghệ và tính sáng tạo. Nông dân phải là chủ thể của sáng tạo và gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Để thành công, theo ông Thiên, “doanh nhân nông dân” cần phải có thông tin thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; đồng thời có sự kết nối của 2 lĩnh vực này vào trong hoạt động khởi nghiệp và sản xuất.
Đơn cử về việc áp dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị của nông sản, thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ được giá 400 USD/tấn. Họ áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản, chiếu xạ khử trùng, rồi xuất sang châu Âu bán với giá 3.500 USD/tấn. Chỉ qua việc chế biến phân loại khử trùng, giá trị gia tăng lên rất lớn; trong khi nông dân Việt Nam là người sản xuất mà chịu thiệt thòi, giá trị gia tăng không cao.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để người nông dân trở thành những “chiến binh” khởi nghiệp thành công, thì hành lang pháp lý phải thuận lợi, tạo điều kiện để họ khởi nghiệp; hỗ trợ họ nắm chắc luật pháp để trở thành công cụ. Đồng thời cần các giải pháp hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; vốn cho các dự án khởi nghiệp phải bảo đảm sản xuất theo quy mô lớn; thông tin về thị trường cho nông sản phải nhanh nhạy và chính xác...
Theo phunuvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn