Tiếng nói từ doanh nghiệp…
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tất Thắng nhận định, hiện nay, nguồn vốn của các NH khá dồi dào, thủ tục thuận lợi và lãi suất cho vay khá hợp lý, thậm chí có những mức lãi suất hỗ trợ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, qua khảo sát của Hiệp hội đối với các DN trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy thời gian gần đây, nhu cầu vay vốn của các DN không cao do hoạt động SXKD khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm; các DN xây dựng thiếu việc làm do cắt giảm đầu tư công.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN tối đa chỉ còn 10%/năm sẽ tạo động lực mới khơi thông nguồn vốn. |
Điểm nghẽn trong quan hệ tín dụng mà các DN phản ánh thông qua Hiệp hội DN vẫn xoay quanh câu chuyện: điều kiện vay vốn của các NH quá chặt chẽ. Trừ những DN lớn, có uy tín, có mối quan hệ truyền thống với NH, còn lại phần lớn đều khó tiếp cận vốn hoặc được vay không đủ nhu cầu do: dự án chưa khả thi, thiếu tài sản đảm bảo. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn hiện nay, một số DN đang thực sự bế tắc khi không được đáp ứng nhu cầu vốn.
Công ty CP Mangan có nhu cầu vay vốn lưu động thường xuyên 7-10 tỷ đồng, tuy nhiên, hạn mức vay hiện chỉ được 3 tỷ đồng. Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc có nhu cầu vay vốn lưu động 18-20 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu thường xuyên nhưng hiện mới được vay 12 tỷ đồng… Tại cuộc đối thoại, các DN này đã bày tỏ mong muốn được NH nới rộng hạn mức tín dụng.
Những DN mới bước đầu thiết lập mối quan hệ vay vốn với NH đặt ra trong cuộc đối thoại yêu cầu cần có sự cởi mở, hướng dẫn tận tình và trả lời thấu đáo về các điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Ông Phạm Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Long (thị trấn Thạch Hà) cho biết: Công ty đang xây dựng Trung tâm Giống chăn nuôi tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) với quy mô 300 lợn nái ngoại và 20.000 gà bố mẹ. Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng vào dự án này và có nhu cầu vay vốn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu khi đến một số NH, Công ty đã không nhận được sự hướng dẫn, tư vấn một cách tận tình, tâm huyết của cán bộ NH.
… và phía các ngân hàng
Khác với những cuộc họp giữa NH và DN trước đó, lần này, các vấn đề cụ thể của từng DN đã được nêu lên và được các chi nhánh NH thương mại liên quan giải đáp khá cụ thể. Về tài sản thế chấp và hạn mức tín dụng của DN, Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực cho biết: Chi nhánh phải tuân thủ quy định của NH T.Ư. Theo đó, các DN xếp loại A (loại tốt) chỉ phải thế chấp tài sản bằng 10% giá trị vốn vay; từ loại dưới A đến B (loại khá) phải thế chấp 30% trở lên và DN xếp loại C (tiềm ẩn rủi ro) phải thế chấp 100%. Trên thực tế, NH đã cố gắng vận dụng linh hoạt các quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho DN; ví dụ như đối với Công ty CP Man gan, dựa trên mối quan hệ truyền thống của 2 đơn vị, NH đã cho vay 3 tỷ đồng dù tài sản thế chấp chỉ là 800 triệu đồng. Hiện tại, Công ty đang thua lỗ do lượng hàng tồn kho rất lớn. Nếu công ty mẹ (Tổng Công ty KS-TM) bổ sung thêm tài sản đảm bảo, NH sẽ nâng mức cho vay để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Trong quá trình đầu tư tín dụng, cái khó của NH là phải tuân thủ đúng quy định của NH T.Ư và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn. Phân tích vấn đề này, ở góc độ của cơ quan pháp luật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Trần Văn Lợi cho rằng: Những năm qua, cán bộ NH vướng mắc đến pháp luật khá nhiều. Điều này bắt nguồn từ những DN lừa đảo kéo theo cán bộ NH vi phạm. Ở nhiều vụ việc, chỉ có cán bộ vi phạm bị tù tội, còn vốn NH không lấy lại được. Bởi vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là cần thiết nhưng các NH cũng phải thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình thủ tục cho vay.
Về những góp ý của DN liên quan đến việc tiếp nhận, hướng dẫn của NH với khách hàng, Giám đốc NH Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến thừa nhận: việc trả lời, hướng dẫn bằng văn bản của TCTD đối với khách hàng chưa đầy đủ, thực hiện chưa đúng theo quy chế tín dụng nên trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa 2 bên để giải quyết vướng mắc về điều kiện, thủ tục có khi còn chậm khiến khách hàng bức xúc. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển tải các thông tin cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách về điều kiện vay vốn, về hỗ trợ lãi suất đến khách hàng ở một số TCTD chưa thực sự sâu rộng.
Gốc rễ của vấn đề
Tại cuộc đối thoại giữa DN và NH, với sự gợi mở của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ, các DN đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chủ trương, cơ chế của tỉnh và nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan. Theo phản ánh của các DN, thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN theo Nghị quyết 02 của Chính phủ chưa thực sự có hiệu quả. Thị trường tắc nghẽn, nợ tồn đọng xây dựng cơ bản kéo dài, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm; bản thân DN chưa thực hiện được việc tái cơ cấu và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp... là những khó khăn chủ yếu mà DN khó vượt qua hiện nay. Từ đó thấy rằng: bên cạnh khơi thông nguồn vốn tín dụng, DN đang cần hơn sự tiếp sức tích cực, thiết thực từ các chính sách kích cầu thị trường, sự hỗ trợ của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn trong SXKD, nỗ lực vượt chặng đường khó.
Nợ tồn đọng xây dựng cơ bản trên 1.000 tỷ đồng Từ cuối năm 2012 đến nay, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn và tập trung các giải pháp giải ngân nguồn vốn nợ tồn đọng xây dựng cơ bản (XDCB) cho các DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn ngân sách tỉnh trả nợ XDCB mới chỉ đạt 350 tỷ đồng. Theo thống kê về số nợ XDCB từ cấp tỉnh đến cấp xã, toàn tỉnh còn tồn đọng trên 1.000 tỷ đồng. Chỉ còn hơn 60% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả Theo thống kê mới đây của ngành Thuế, trong tổng số 3.281 DN trên địa bàn, có 2.698 DN tham gia nộp thuế. Trong đó, chỉ có 1.908 DN phát sinh các loại thuế khác ngoài thuế môn bài, đây là những đơn vị hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận. Số còn lại, có 366 DN mới chỉ nộp được thuế môn bài; 424 DN có nộp thuế môn bài nhưng xin tạm ngừng hoạt động và 583 DN giải thể và đã đóng mã số thuế chờ giải thể. Dư nợ cho vay doanh nghiệp bắt đầu tăng từ tháng 4 Theo thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh, trong khi tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 3 tháng đầu năm 2013 tăng trên 3%, thì dư nợ cho vay đối với DN lại giảm (-0,97%). Tuy nhiên, trong tháng 4/2013, tín dụng cho DN đã bắt đầu khởi sắc với tốc độ tăng 2,2%. Đến thời điểm cuối tháng 4, dư nợ cho vay các loại hình DN đạt 6.776 tỷ đồng, chiếm 37,43% trong tổng dư nợ. Cộng với tín hiệu mới từ việc giảm lãi suất từ giữa tháng 5/2013 và triển vọng nền kinh tế dần hồi phục, các TCTD đang đặt mục tiêu tập trung các giải pháp cho vay đối với DN nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung. |
MAI THỦY (baohatinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn