Chăn nuôi điêu đứng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tình hình hoạt động sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá tra, tôm… tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn về giá cả, thị trường khiến nhiều DN và hộ nông dân khốn đốn. Vấn đề dư cung hạ giá thành sản phẩm do sự cạnh tranh gay gắt từ thịt lợn, gia cầm nhập lậu, cũng như giá cả thức ăn, nguyên vật liệu chăn nuôi tăng cao cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm suy kiệt sức khỏe của các DN ngành chăn nuôi, thủy sản.
Nhiều trại lợn đã được tái đàn nhờ chi phí vốn vay giảm mạnh
Thực tế, đối với sản phẩm cá tra, chi phí đầu vào hiện tại vẫn cao hơn giá bán ra từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, khiến người nuôi không có lãi nên “treo ao” nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, cá tra xuất khẩu giảm khoảng 6% về giá và số lượng tại nhiều thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của một số Sở Nông nghiệp tại những tỉnh thành phía Nam như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng của bà con nông dân và thu mua chế biến của DN xuất khẩu.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có trên 20.000 hộ thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, số lượng con giống trên 1,642 tỷ con thì đã có đến 4.779 hộ nuôi bị thiệt hại về tôm giống do dịch bệnh với số lượng 515,701 triệu con… cũng đủ thấy mức độ thiệt hại là không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản rất mong được các ngân hàng tiếp vốn với lãi suất thấp để tái đầu tư, vực dậy chăn nuôi.
Thủy sản đã khó, ngành chăn nuôi thời gian qua lại càng khó khăn gấp bội. Mới đây, tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi khu vực các tỉnh phía Nam giai đoạn 2013-2015, Bộ NN&PTNT đã phải “thừa nhận”, hàng triệu hộ nông dân, hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước đang lâm vào tình trạng điêu đứng, bỏ chuồng trại, thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân do giá cả thị trường liên tục lao dốc, sức mua yếu dẫn đến khó khăn về đầu ra. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp đã đẩy ngành chăn nuôi lâm vào tình cảnh “bết bát”.
Nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng, sau khó khăn về dịch bệnh, các hộ chăn nuôi rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời về phương tiện phòng ngừa và đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn với lãi suất thấp để tái đàn.
Ngân hàng vào cuộc
Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) và một số hiệp hội liên quan đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ, cứu nguy cho ngành thủy sản và chăn nuôi từ việc phòng ngừa dịch bệnh, hỗ trợ thị trường, tìm đầu ra cho con tôm, con cá, thịt gà, thịt lợn đến nguồn tín dụng với lãi suất thấp để tình trạng “treo ao, bỏ chuồng” không còn diễn ra và tạo điều kiện để vực dậy lĩnh vực sản xuất thiết yếu này.
Có thể nói, với văn bản số 3783/NHNN-TD (ngày 29/5/2013) thực hiện cho vay đối với các đối tượng được hưởng chính sách theo công văn số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-NHNN (ngày 10/5/2013) của NHNN là điều rất cần trong thời điểm hiện nay.
Theo đó, NHNN đề nghị Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm tối đa ở mức 10%/năm; Đồng thời xem xét điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản cho vay trong các lĩnh vực này được giải ngân trước ngày 13/5/2013 còn trong hạn về tối đa 10%/năm. Với việc làm này, NHNN đã thể hiện rõ hành động quyết tâm, cùng chung tay, góp sức vực dậy ngành nông nghiệp trong nước mà cụ thể là lĩnh vực chăn nuôi heo, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Trung Định - Giám đốc Agribank Củ Chi cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản triển khai từ Trung ương, chi nhánh đã rà soát lại các khoản vay cũ của các DN, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để nhanh chóng đưa về mức quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nông dân, DN giảm thiểu chi phí sản xuất nuôi trồng, vực dậy hoạt động kinh doanh.
Nói về vấn đề này, ông Trương Văn Tốt - Giám đốc CTCP Phát triển nông nghiệp Thanh Niên Xung phong cho rằng, các NHTM, trong đó có hệ thống Agribank vào cuộc khá nhanh trong vấn đề hỗ trợ người sản xuất kinh doanh và khó khăn của thị trường.
Mới đây, công ty đã chính thức được ngân hàng chủ động giảm lãi suất khoản vay cũ xuống 10%/năm. Dù hoạt động chăn nuôi của DN vẫn còn khó khăn do sức cầu thị trường yếu, song với việc được hưởng lợi từ chi phí lãi vay giảm nhanh và mạnh như hiện nay, các ngân hàng đã tạo ra một động lực mới giúp những DN có cơ hội hồi sinh trở lại.
Theo NHNN TP. Hồ Chí Minh, 5 ngân hàng được chỉ đạo cụ thể đã và đang tích cực trong việc triển khai đến từng chi nhánh trên các địa bàn, tỉnh thành để kịp thời tạo ra hiệu ứng trên thị trường, nhanh chóng giúp các DN, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản sớm thoát khỏi tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn