Dĩ nhiên, đây sẽ là mục tiêu không phải dễ dàng. Cần giải quyết những “điểm nghẽn” nào để HTX vừa tăng được số lượng, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động trong giai đoạn tới...
NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) về những quan điểm, chiến lược cần tập trung tháo gỡ nhằm tạo sức bật cho kinh tế hợp tác trong giai đoạn tới.
Ông Lê Đức Thịnh |
Ông Thịnh cho rằng, thời gian qua, kinh tế HTX nói chung và HTX nói riêng xét trên bình diện chung cả nước đã cơ bản có chuyển biến tích cực, thoát khỏi giai đoạn yếu kém kéo dài và đang mở rộng nhanh chóng về quy mô và số lượng. Dự kiến năm 2018, có thể có khoảng 2.000 HTX được thành lập mới.
Kinh tế hợp tác đang có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, song không thể phủ nhận nhiều nơi HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cản trở. Theo ông, đâu là những nút thắt cơ bản cần tập trung tháo gỡ hiện nay?
Không chỉ riêng Việt Nam, mà bất kỳ nước nào, việc xây dựng tổ chức HTX cho nông dân trong giai đoạn đầu đang phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những vấn đề vướng mắc trong xây dựng HTX tại nước ta trong thời gian gần đây đã được tháo gỡ do sự quan tâm của xã hội, tính tất yếu của nhu cầu phát triển HTX. Tuy vậy, một số vấn đề khó khăn trong xây dựng HTX có thể sẽ vẫn còn kéo dài. Trong đó, tôi cho rằng cần phải tập trung cho một số nút thắt cơ bản.
Một là cần tiếp tục tập trung để thay đổi nhận thức về HTX, nhận thức về bản chất HTX và nhận thức về cách làm, cách hỗ trợ và triển khai cơ chế chính sách dành cho HTX. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về HTX, nhờ đó bức tranh nhận thức về HTX trên phạm vi cả nước nhìn chung đã được cải thiện khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn cán bộ chưa hiểu được thấu đáo về bản chất của HTX, thậm chí có sự sai lệch trong nhận thức.
Sai lệch căn bản nhất, vẫn là về bản chất HTX. HTX là một tổ chức tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và lấy lợi ích xã viên làm thước đo cho sự thành công. Vì vậy, đánh giá một HTX thì đánh giá HTX ấy làm được những gì cho thành viên của mình, cho cộng đồng nông dân ở nông thôn. Bản chất ấy giúp cho HTX một mặt vẫn phải kinh doanh để tái đầu tư SX, mở rộng dịch vụ, cung cấp phúc lợi, lợi ích nhiều hơn cho xã viên, nhưng một mặt lại không được lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu. Điều này khác với DN là chạy theo lợi nhuận và doanh số.
Nhận thức sai lệch phổ biến thứ hai, đó là vẫn có tư duy HTX là cánh tay của chính quyền ở cơ sở. Đây là một tư duy rất nguy hiểm, cản trở HTX và còn rơi rớt lại từ thời HTX tập trung bao cấp. HTX là tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm. HTX cần sự hỗ trợ của chính quyền, của chính sách, nhưng chính quyền lại phải không được can thiệp, làm thay công việc của HTX. Cần phải tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc tự nguyện và tự chủ của HTX.
|
Liên kết nông dân - HTX và DN là con đường thành công ngắn nhất cho HTX hiện nay |
Ông nói bài học từ các quốc gia đã có phong trào kinh tế hợp tác phát triển về nông nghiệp cho thấy, mặc dù HTX là tổ chức tự nguyện, độc lập, tự chủ, song lại đều phải cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Vậy nhà nước cần hỗ trợ khâu nào cho HTX hiện nay?
Vấn đề đầu tiên, hiện chúng ta cũng đang làm và cũng đang khẳng định được tính đột phá, đó là chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lí của các HTX. Làm sao đó trong một thời gian ngắn, Việt Nam phải có được một đội ngũ chủ tịch HĐQT, giám đốc trẻ, có đào tạo bài bản. Thời gian qua, tỉ lệ các HTX trẻ, mới ra đời đã có mặt bằng chung về trình độ quản lí được nâng lên rất rõ so với trước đây. Tuy nhiên vẫn còn một loạt HTX cũ, chuyển sang mô hình mới có đội ngũ quản lí HTX cao tuổi, chưa được đào tạo bài bản...
Để thúc đẩy cho vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư 340/2016/TT-BTC hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ nguồn nhân lực của HTX. Theo đó, cán bộ HTX có trình độ từ cao đẳng trở lên sẽ được hỗ trợ lương cơ bản trong 3 năm đầu. Bộ NN-PTNT hiện cũng đã có một chương trình khung cho đào tạo cán bộ HTX, trong đó dành nguồn ngân sách cả ở trung ương và địa phương dành cho công tác này.
Cần đột phá thứ 2 về mặt chính sách, đó là phải thay đổi được bộ mặt về KH-CN ở các HTX. Bởi HTX có các hoạt động SX-KD như một DN, và phải dựa trên nền tảng về KH-CN để hạ chi phí SX, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, chúng ta đã có gần 200 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào SX, đều đem lại hiệu quả rất tốt, song đây là con số còn quá ít.
Đối với khó khăn về hạ tầng, hiện nay Luật HTX 2012 cũng đã có quy định về hỗ trợ cho HTX. Bộ NN-PTNT cũng đã có Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp gồm 15 loại hình hỗ trợ về hạ tầng cho HTX, trong đó có hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, kho bảo quản... Các chính sách về vốn vay cho HTX cũng đã được Chính phủ sửa đổi, ban hành theo hướng tạo điều kiện, cho phép HTX vay tín chấp. Đây sẽ là những khung chính sách cơ bản có thể kỳ vọng HTX sẽ có thêm sức bật mới trong giai đoạn tới.
Ảnh: Lê Bền |
Hiện nay, một số địa phương miền núi (điển hình như Sơn La), có điều kiện KT-XH khó khăn, song lại có tốc độ phát triển HTX và tỉ lệ hoạt động có hiệu quả rất tốt. Theo ông, đâu là bí quyết, và là kinh nghiệm được rút ra ở những địa phương này?
Đúng là thời gian qua, rất nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc cũng như một số tỉnh phát triển HTX rất tốt, điển hình như Sơn La (năm 2017 đã có tới hơn 50 HTX nông lâm thủy sản ra đời), hay Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Lâm Đồng... Bên cạnh các yếu tố chín muồi cho việc ra đời HTX như có các vùng SX hàng hóa tập trung, tạo ra nhu cầu liên kết, giảm chi phí SX và thuận lợi cho tiêu thụ..., dễ nhận thấy tại các địa phương có HTX phát triển tốt, đó là đều có sự quan tâm của hệ thống chính trị. Ở đâu có HTX phát triển tốt thì đều có sự quan tâm rất lớn của chính quyền các cấp, cũng như dành rất nhiều chính sách cho việc thúc đẩy, hỗ trợ HTX.
Đây cũng là điều mà chúng tôi luôn mong muốn các địa phương phải vào cuộc đồng bộ hơn nữa, không chỉ Sở NN-PTNT hay Liên minh HTX các tỉnh, mà còn có sự tham gia của nhiều tổ chức, hội đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Hiện tại, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng đang bắt đầu triển khai phối hợp với một số Tỉnh đoàn để xây dựng các HTX thanh niên, hoặc HTX thông qua các hội nông dân, các hội nghề trang trại. Ví dụ Tuyên Quang hiện nay có tới 720 chủ trang trại, nếu gắn việc xây dựng HTX với các hạt nhân là hệ thống chủ trang trại này thì tiềm năng phát triển HTX ở đây sẽ vô cùng tốt...
Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn