Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong suốt thời gian qua, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Từ cuối tháng 2/2013, nhiều hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân viên của từng đơn vị trực thuộc Bộ đã được tiến hành một cách nghiêm túc. Chúng tôi coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sứ mệnh lịch sử của đất nước”.
Đề cập đến tinh thần và thái độ của cán bộ, đảng viên, nhân viên trong các cơ quan của Bộ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay: “Hầu hết các ý kiến đóng góp đều đồng tình cao với nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà Ban soạn thảo đưa ra. Tại từng đơn vị đều tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến một cách sâu, rộng và nhận thấy ở đâu cán bộ, đảng viên và nhân viên cũng trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở, dân chủ với tinh thần trách nhiệm rất cao đối với đất nước. Tôi đã tham dự một số hội nghị như thế và cảm nhận rằng, các ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết, thể hiện người góp ý đã nghiên cứu rất kỹ càng các điều khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như có sự hiểu biết đối với vấn đề luật pháp”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn
So với bản Hiến pháp hiện hành thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã được trình bày ngắn gọn hơn, bằng chứng là đã rút từ 12 chương với 147 điều xuống còn 11 chương gồm 124 điều. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có rất nhiều điểm mới, trong đó có những điểm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Cụ thể đó là các điều 2, 4, 57, 58 và điều 70.
Khi đưa vấn đề điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định: “Việc tồn tại điều 4 trong Hiến pháp là tất yếu khách quan, phù hợp với lịch sử và tình hình của đất nước Việt Nam. Thực tiễn đã minh chứng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo các tầng lớp nhân dân, đứng lên lật đổ ách đô hộ, đòi lại quyền tự do, độc lập cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong suốt cuộc trường chinh đấu tranh giành nền độc lập dân tộc và trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là đội quân tiên phong của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, chúng ta không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và không bao giờ đa nguyên đa đảng”.
Đối với điều 57 và điều 58 của Dự thảo Hiến pháp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, cơ bản thống nhất như nội dung mà Ban soạn thảo đưa ra. Tuy nhiên cần xem xét một số từ ngữ, chẳng hạn như từ “đất đai” trong khoản 1 điều 57 và khoản 1 điều 58. Thứ trưởng Hà Công Tuấn đặt ra câu hỏi: “Đất thì hiểu rồi, còn đai ở đây là gì? Vì ở khoản 2 và 3 của điều 58 lại chỉ nói đến giao đất và thu hồi đất chứ không nói gì đến “đai” cả. Chẳng lẽ đất thì giao mà “đai” thì giữ lại? Vì thế đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất cụ thể để đưa ra một cụm từ cho chuẩn xác và điều quan trọng là dễ hiểu, ai cũng hiểu được và chỉ hiểu đúng một nghĩa. Bởi lẽ, Hiến pháp là đạo luật mẹ của các bộ luật khác nên rất cần sự rạch ròi, nhất là những vấn đề đang còn nhiều ý kiến thì càng cần phải chặt chẽ và rõ nghĩa”.
Có một điều mà bản thân Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng như nhiều người trong ngành nông nghiệp đều có chung một suy nghĩ là, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì lại thấy sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Nhất là trong vài năm gần đây, nông nghiệp thực sự là bà đỡ, là cứu cánh cho nền kinh tế của đất nước. Bằng chứng là nhiều lĩnh vực đổ bể và suy thoái thì nông nghiệp vẫn giữ vững được mức tăng trưởng, trong đó XK vẫn vượt kế hoạch. Chính vì thế, nhiều người trong ngành nông nghiệp cũng như cá nhân Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Ban soạn thảo xem xét nên chăng đưa thêm vấn đề nông nghiệp vào trong Hiến pháp sửa đổi lần này để thấy được rõ nét hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn