Đó là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương tại Hội nghị Kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng 2017 do HPA vừa tổ chức.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, sự kết nối cung - cầu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh, TP. Một mặt, DN Lâm Đồng mới tập trung cho thị trường phía Nam, chưa xây dựng được hệ thống phân phối, đại lý hoặc tìm kiếm được đối tác tại thị trường phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Một số DN chưa quan tâm đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, hiệu quả. Mặt khác, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản..., nên giá thành các sản phẩm của Lâm Đồng khi ra đến thị trường Hà Nội còn cao.
Doanh nghiệp Hà Nội và Lâm Đồng trao đổi tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam |
Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Hiện, Hapro đang tiêu thụ một số sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng như trà ô long, rượu vang Đà Lạt, rau củ… Nhưng, hoạt động này là DN tự khai thác, không phải là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Hapro với DN Lâm Đồng. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) Vũ Thị Hậu cũng khẳng định: Siêu thị Fivimart sẵn sàng kết nối thu mua nông sản, tuy nhiên các hộ nông dân, DN tỉnh Lâm Đồng phải đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khẩu thu gom, bảo quản, vận chuyển....
Tạo điều kiện kết nối cung - cầu Để công tác liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa Hà Nội - Lâm Đồng thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, DN và HPA sẽ có nhiều phương án hỗ trợ DN Lâm Đồng hạ giá thành, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt Đào Ngọc Nam cho biết: Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường Hà Nội, hiện các DN Lâm Đồng đều tự thân vận động, thiếu liên kết dẫn đến chi phí cao. Nhằm giúp đỡ DN khắc phục khó khăn này, Công ty sẽ tạo điều kiện cho DN Lâm Đồng đưa hàng hóa vào Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn của Bộ NN&PTNT mới đưa vào hoạt động... Các nhà sản xuất tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại Trung tâm có cơ hội phát triển khách hàng từ việc cộng hưởng của hệ thống với việc giới thiệu các đầu mối khách hàng từ các đơn vị tham gia. Qua đó tiết kiệm khâu trung gian, chi phí vận chuyển và giá thành sản phẩm.
Thực tế cho thấy, một số DN, hộ sản xuất nông sản Lâm Đồng chưa quan tâm đến việc chuẩn bị bao bì, tem nhãn cho sản phẩm của mình, khiến việc đưa hàng hóa nông sản, đặc sản vào hệ thống phân phối hiện đại rất khó khăn. Để khắc phục bất cập này, thời gian tới, HPA phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp DN Lâm Đồng cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam và Nhật Bản. Qua đó đưa hàng hóa nông sản, đặc sản vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương khẳng định, HPA sẽ tạo điều kiện cho DN Lâm Đồng đầu tư, mở đại lý bán hàng, đặt văn phòng đại diện, tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm tại Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Hà Nội. TP Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện để DN Lâm Đồng tham gia “Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng, miền tại Hà Nội” được tổ chức hàng năm, qua đó thực hiện việc kết nối cung - cầu, tạo sự liên kết vững chắc giữa “Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Người tiêu dùng”.
Theo báo kinhtedothi.vn