Tại buổi đối thoại nhiều tiểu thương đã trình bày những thắc mắc trước thông tin: Tỉnh và thành phố Hà Tĩnh đã bán chợ cho tư nhân, phá đình chợ 2 tầng, những quầy kinh doanh cố định từ trước không được giữ nguyên vị trí lúc đầu, phải đóng thêm tiền vào chợ…
Trước những vấn đề thắc mắc đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, tỉnh không có chủ trương bán chợ, không phá đình chợ 2 tầng. “Ai đó nghe thông tin tỉnh bán chợ đề cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xử lý. Khi công trình đang đảm bảo an toàn, thì phá để làm gì? Chúng ta bỏ tiền ra đầu tư được tài sản như thế, được quy hoạch và đang sử dụng tốt thì không có lý do gì phải phá. Khẳng định với bà con, khi công trình đang đảm bảo điều kiện kinh doanh an toàn thì không phá dỡ để làm lại. Bà con cứ yên tâm kinh doanh”, ông Khánh nhấn mạnh.
Về vấn đề bà con lo lắng có thu tiền vào chợ của dân nữa không, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chợ đó đã được đóng góp 15 năm qua, nay không thu thêm đồng nào, chỉ thu các phí quản lý về điện nước, môi trường, bảo vệ.
“Việc bà con lo lắng phải di chuyển vị trí kinh doanh, đấu giá lại vị trí là hoàn toàn không có cơ sở. Không có ai bắt buộc phải di chuyển, trừ khi vị trí đó ảnh hưởng đến an toàn PCCC, an ninh trật tự đối với các hộ xung quanh và toàn khu vực chợ. Chính quyền luôn đảm bảo để các hộ kinh doanh lâu dài” - Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, sau khi hết hạn hợp đồng cũ 15 năm, việc tiếp tục ký hợp đồng mới là bắt buộc để tài sản của bà con kinh doanh trong chợ được bảo vệ đảm bảo an toàn, đảm bảo tính pháp lý.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thực trạng hiện nay công tác quản lý chợ Hà Tĩnh đang còn những bất cập, phá vỡ quy hoạch ban đầu, gây lộn xộn, mất mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh môi trường và mất an toàn trong PCCC. Đặc biệt, bộ máy quản lý cồng kềnh, hiệu quả không cao. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của các hộ kinh doanh và người dân. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển. Trước mắt là chuyển đổi mô hình quản lý.
Cũng buổi sáng ngày 29/11, ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cũng cung cấp thông tin cho bà con tiểu thương về những thắc mắc khi chuyển đổi hợp đồng mới thì được ký trong thời gian bao lâu? Bà con tiểu thương cũng đề nghị, lộ trình chuyển đổi chợ phải lấy ý kiến của nhân dân; kiểm tra, thanh tra việc cho thuê ốt kinh doanh vượt thiết kế quy hoạch ban đầu…
"Việc gia hạn hợp đồng khi đến hạn là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh, nhằm thực hiện trách nhiệm của Ban quản lý chợ với các hộ kinh doanh và ngược lại. Chúng tôi khẳng định quyền lợi của người dân kinh doanh trong chợ vẫn được đảm bảo và phương án chuyển đổi chợ chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của các hộ kinh doanh theo đúng quy chế dân chủ cơ sở" – ông Trọng nói.
Kết thúc buổi đối thoại, hàng ngàn tiểu thương đã bày tỏ sự hài lòng và cảm kích trước những kiến nghị, đề xuất, băn khoăn, lo lắng đã được vị Chủ tịch trẻ tuổi giải thích thấu đáo trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở. Nhiều người dân không kìm được sự vui mừng đã ùa lên ôm chầm, bắt tay, bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ tịch tỉnh.
Trong chiều cùng ngày (29/11), bà con tiểu thương đã trở lại buôn bán tại các quầy, ốt của họ sau 3 ngày đình công. Ngoài ra, hàng trăm tiểu thương còn tổ chức mở nhạc, hát múa, ăn mừng vì đã giải tỏa được bao nỗi lo lắng những ngày qua.
Tiến Hiệp
Theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn