Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương và các cơ quan thông tin truyền thông đã vào cuộc trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, bệnh DTLCP diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).
Hiện, 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Dịch tả lợn Châu phi hiện vẫn đang diễn biến hết
sức phức tạp, khó kiểm soát (Ảnh minh họa)
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương cho rằng: bệnh DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh nên rất khó kiểm soát; vi rút tồn tại trong môi trường lâu dài. Vì vậy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lan rộng với nhiều thách thức.
Các địa phương cũng chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra giải pháp trong công tác phòng chống bệnh DTLCP trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Tình hình bệnh DTLCP còn diễn biến phức tạp, có khả năng tái phát và rất khó kiểm soát.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục ứng phó với dịch tả lợn Châu phi một cách quyết liệt, hiệu quả. (ảnh: Hồng Phúc)
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN - PTNT, các bộ ngành địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dập dịch. Trong đó, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về vấn đề hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp và người chăn nuôi; ban hành văn bản chỉ đạo trong việc giết mổ lợn trong vùng bị dịch bệnh; thành lập các trạm kiểm dịch quốc gia để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc lưu thông trên địa bàn.
Các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Công Thương cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ họp bàn ngay để ứng phó với bệnh dịch về vấn đề tiêu thụ nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Các địa phương cần huy động các lực lượng vũ trang cùng vào cuộc, phát hiện sớm dịch bệnh, tiêu hủy triệt để đàn lợn bị bệnh. Chỉ đạo người dân, doanh nghiệp xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển các sản phẩm chăn nuôi phù hợp hơn...
Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đánh giá cáo công tác phòng, chống DTLCP của các ngành, địa phương; đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp phát sinh bệnh DTLCP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn cùng các địa phương không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ, các giải pháp.
Theo đó, phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo để kịp thời xử lý; xác định địa điểm tiêu hủy trước khi chưa có dịch bệnh để chủ động. Thời gian tới, nếu địa phương nào phát hiện bệnh DTLCP xẩy ra, làm lây lan thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn