Lực lượng QLTT Hà Tĩnh kiểm tra hoạt động kinh doanh bia, rượu trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh: Chính Thu
Ông Phan Thanh Bá - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh cho biết, trong những tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT đã phối hợp với các ngành liên quan liên tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm. Đến thời điểm hiện nay, đã đồng loạt thực hiện tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa phóng thanh trên địa bàn toàn tỉnh; phát hơn 2.000 tờ rơi; treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm năm 2017, đặc biệt trong đó có khẩu hiệu “Không sử dụng cồn công nghiệp để pha chế và sản xuất rượu”.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động SXKD rượu. Lực lượng chức năng tích cực kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lớn. Đối với rượu, Chi cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 20 vụ việc, phạt hành chính 105 triệu đồng, tịch thu 436 chai rượu ngoại nhập lậu có trị giá trên 700 triệu đồng; tiêu hủy gần 600 chai và 156 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 22 triệu đồng.
Ông Bá dẫn chứng, cuối tháng 5/2017, Đội QLTT số 2 phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-479.85, do ông Hoàng Văn Đạm (địa chỉ Vũ Lạc - TP Thái Bình - tỉnh Thái Bình) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 436 chai rượu đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không dán tem rượu nhập khẩu, toàn bộ lô hàng có giá trị trên 700 triệu đồng. Đội đã chuyển giao chi cục tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính 90 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Vỏ rượu ngoại nhái các nhãn hàng có tiếng được các đối tượng mua về để làm giả. Ảnh: Đình Vũ
Còn ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng: “Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại rượu được quảng cáo là rượu ngâm, rượu quê… chưa được qua kiểm định chất lượng. Về khía cạnh quản lý nhà nước, để kiểm soát tốt rượu sản xuất theo phương pháp thủ công, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nơi có các cơ sở sản xuất. Vừa qua, chi cục đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy hơn 500 lít rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện Can Lộc. Tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc cấp giấy phép công bố chất lượng các sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế. Hướng dẫn người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất rượu để xây dựng thương hiệu riêng”.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong hơn 50 mẫu rượu được lấy ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, không có mẫu nào vượt ngưỡng methanol cho phép.
Để đảm bảo thực hiện tốt quy định của Nhà nước về quản lý rượu, bia, người SXKD rượu cần phải nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp để pha chế, chế biến rượu. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần phải hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng rượu, nhất là rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol cao, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng.
Theo Chiến - Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn