Trong một lần tác nghiệp tại xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), chúng tôi nhận được thông tin về hoàn cảnh chị Hồ Thị Phượng, người mẹ đơn thân câm điếc, dại khờ nuôi con tật nguyền, thất học. Tìm về gia đình chị Phượng ở thôn Sơn Trung 2, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn hình ảnh tập tễnh, xiêu vẹo của con gái chị - em Nguyễn Thị Thúy Hằng. Hằng năm nay 12 tuổi, bị khuyết tật tay chân nên đi lại, vận động rất khó khăn, vì tật nguyền nên việc đến trường với Hằng là một điều hết sức xa lạ, mơ hồ.
May mắn thay, sau khi chương trình về hoàn cảnh đáng thương của gia đình Hằng được phát sóng, qua sự giới thiệu, khâu nối của những người bạn làm ngành y, chúng tôi đã liên hệ được với bác sĩ Bùi Xuân Huân (Bệnh viện Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và được ông đồng ý phẫu thuật miễn phí. Vài tuần sau đó, em Nguyễn Thị Thúy Hằng đã được người thân đưa vào TP Hồ Chí Minh và ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 18/6 vừa qua tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh. Chi phí đi lại, phẫu thuật của em do một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tài trợ.
Đó là một trong rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm nhờ sự kết nối của chương trình "Vòng tay nhân ái" - Đài PT&TH Hà Tĩnh nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Còn chúng tôi, những người trực tiếp làm chương trình này thì điều hạnh phúc nhất có lẽ là qua những phóng sự của mình đã có thể bắc thêm những nhịp cầu nhân ái để giúp đỡ, tiếp sức cho những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.
Nhà báo Mạnh Hà - Báo Hà Tĩnh: Từ bài báo, đồng đội của con đã tìm về với mẹ
Ngày 29/7/2017, Báo Hà Tĩnh xuất bản bài “Nước mắt của người mẹ lính Gạc Ma” viết về bà Hà Thị Liên - mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương - người nằm lại nơi biển khơi Tổ quốc trong trận chiến đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Là tác giả bài viết, tôi vui sướng khi thấy anh Nguyễn Hà (ngụ tại tổ 4, khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) đăng facebook: “Các đồng đội ơi, mình đã thấy mẹ. Các đồng đội nhớ vào xem nhé”. Thì ra, ngày trước, anh Nguyễn Hà cùng đơn vị thông tin C4, vùng 3 Hải quân với anh Đào Kim Cương. Hai anh thân thiết nhau nên bố mẹ anh Cương xem anh Hà như con ruột. Thế nhưng, suốt 30 năm qua, anh Hà không biết được địa chỉ của mẹ Liên. Qua thông tin trên Báo Hà Tĩnh, anh Hà cùng vợ đã lặn lội tìm đến Làng Mới, xã Vượng Lộc, Can Lộc để tìm gặp “mẹ” Liên.
“Trước khi có bài báo, ít người biết đến mẹ. Sau đó, nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà. Mẹ cũng được đi nói chuyện về Trường Sa ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Mới đây, từ chia sẻ của anh Nguyễn Hà, anh Vân ở Nghệ An – người cùng đơn vị với chú Cương đã lần đầu vào thăm mẹ” – chị Đào Thị Bình, vợ của anh Đào Công Cán, anh trai liệt sỹ Đào Kim Cương chia sẻ.
Nhà báo Văn Sơn - Đài PT&TH Hà Tĩnh: Phản biện xã hội là cầu nối giữa người dân với các cấp, ngành
16 năm hoạt động trong nghề, bản thân tôi luôn dành sự ưu tiên cho việc phát hiện, thực hiện các đề tài mang tính giám sát, phản biện xã hội và phần lớn những bài viết như thế đều xuất phát từ phản ánh của người dân. Như chuyện về tuyến đường Mỹ - Thành - Hoa (Nghi Xuân), từ phản ánh của người dân về những bất hợp lý trong quá trình triển khai thi công, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường để phản ánh kịp thời, đồng thời tiếp tục thu thập tài liệu để đi sâu phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự bất hợp lý này.
Sau 2 bài phản ánh đã chỉ rõ lỗi trước hết thuộc về thiết kế cơ sở, bởi đây là căn cứ cho thiết kế bản vẽ thi công cũng như dự toán công trình. Một trong những yếu tố dẫn đến lỗi sơ đẳng nhưng nghiêm trọng này chính là trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế đã bỏ quên việc lấy ý kiến của người dân, lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua. Từ những chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, sau loạt phóng sự này, chủ đầu tư, ngành liên quan đã thừa nhận lỗi và trách nhiệm, đồng thời triển khai khắc phục kịp thời.
Nhà báo Hữu Trung - Báo Hà Tĩnh: Ấm lòng người phụ nữ từng cứu sống hàng chục người chìm đò
Nhận được tin báo bà Nguyễn Thị Hệ ở thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) – người đã từng cứu sống hàng chục nạn nhân bị chìm đò năm xưa được xóa nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng, những người làm báo chúng tôi thấy rất ấm lòng.
Tình cờ nghe được câu chuyện về cuộc đời khốn khó, nợ nần của người phụ nữ cách đây hơn 20 năm đã dũng cảm cứu sống hàng chục người bị chìm đò giữa dòng sông Rác, chúng tôi tìm về nơi gia đình bà Nguyễn Thị Hệ đang sinh sống. Ký ức về lòng quả cảm cứu người năm xưa và câu chuyện cuộc đời nhiều sóng gió, bế tắc của bà Hệ đã được chúng tôi ghi lại một cách chân thực, xúc động.
Hai tuần sau, chúng tôi nhận được điện thoại của một người đại diện Công ty Star Beach & Thái Dương Real – Quỹ Từ thiện Hoa Phước (TP Hồ Chí Minh) có nhã ý muốn xóa nợ ngân hàng cho bà Hệ và không lâu sau, bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc cùng đoàn thiện nguyện của Công ty đã về trao số tiền 150 triệu đồng giúp bà Hệ trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, đoàn còn tặng gia đình bà Hệ sổ tiết kiệm 30 triệu đồng giúp ổn định đời sống.
P.V Anh Tấn - Báo Hà Tĩnh: Vui sao khi nối được nhịp cầu
Trở lại xã Đức Liên (Vũ Quang) sau hơn 1 năm thực hiện bài viết “Nín thở nhìn xe trâu "cõng" lúa vượt sông Ngàn Sâu” trên Báo Hà Tĩnh,niềm hạnh phúc trào dâng trong tôi khi chứng kiến hình ảnh chiếc cầu bê tông đang được đầu tư xây dựng.
Trong chuyến ngược ngàn cuối tháng 5/2017, chứng kiến cảnh tượng từng con trâu kéo xe bò lốp chở người kèm hàng tấn lúa vượt sông Ngàn Sâu đang cuộn chảy, chúng tôi kịp thời phản ánh. Bài viết được đăng tải đã gây xúc động mạnh trong lòng bạn đọc gần xa. Nhiều độc giả đã đề nghị Báo Hà Tĩnh đứng ra phát động quyên góp tiền để sớm xây cầu cho bà con nơi đây.
Tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh đã giao ngành chức năng vào cuộc. Ngày 26/5/2018, dự án cầu Liên Hòa được khởi công xây dựng với kinh phí 81 tỷ đồng, giao UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, với thời gian hoàn thành là 15 tháng.
Trong ngày vui tột độ, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên thay mặt chính quyền địa phương, cảm ơn Báo Hà Tĩnh đã bắc nhịp cầu mà nhân dân bao đời mong ước.